Xử lý thế nào khi trẻ nói “KHÔNG”

dạy con không nói dối

Khi con la hét, nói “Không muốn rời khỏi siêu thị”, bạn hãy hỏi tại sao lại nói không và đợi trẻ giải thích rõ ràng, tránh quát mắng, làm căng thẳng thêm.

1. Phớt lờ

Đôi khi từ “Không” của trẻ không phải vấn đề lớn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có thể bỏ qua câu nói này. Chẳng hạn khi trẻ đang chơi đồ chơi và bạn yêu cầu trẻ đi ngủ, chúng sẽ nói “Không” vì đang chơi vui, chưa muốn dừng lại. Thay vì mắng hoặc ra lệnh, bạn hãy nói với các bé rằng “Đó là quy tắc trong nhà” hoặc “Đây là kế hoạch mỗi ngày”.

Bình thường, bạn hãy nhấn mạnh các quy tắc trong nhà phải được mọi thành viên tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ có hình phạt phù hợp. Vì vậy, trong trường hợp trên, trẻ sẽ hiểu rằng không thể thay đổi quy tắc và phải nghe lời bố mẹ.

2. Trao quyền lựa chọn

Phụ huynh có thể đặt câu hỏi lựa chọn để trẻ cảm thấy được tôn trọng, không còn cách từ chối yêu cầu. Chẳng hạn, hãy hỏi trẻ: “Con muốn ăn bánh mì hay muốn uống sữa?”, “Con muốn đi dạo hay ở trong nhà?”.

Cách thức này cũng phù hợp ngay khi bạn muốn trẻ chọn hành động duy nhất. Ví dụ, thay vì yêu cầu “Đi tắm nào”, hãy đặt ra hai tình huống cho trẻ cân nhắc như sau: “Con muốn tắm trong bồn hay tắm vòi hoa sen”. Như vậy, trẻ sẽ bị phân tán tư tưởng sang việc lựa chọn cách thức tắm mà không thể từ chối nhiệm vụ này.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

3. Khuyến khích hợp tác

Nhiều khả năng trẻ sẽ vâng lời nếu phụ huynh sử dụng các phương pháp dưới đây.

  • Đề nghị thay vì yêu cầu: Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi cha mẹ nói: “Con có thể lấy hộ bố/mẹ cuốn sách không” thay vì yêu cầu “Mang cho bố/mẹ cuốn sách”.
  • Giải thích cụ thể hành động trẻ phải làm: Trong nhiều trường hợp trẻ nói “không” vì yêu cầu của phụ huynh chưa đủ rõ ràng, trẻ không biết làm như nào. Ví dụ, bạn nói: “Con xếp bộ lego vào tủ đồ chơi nhé” sẽ giúp trẻ định hướng nhiệm vụ tốt hơn là nói: “Con cất đồ chơi đi”.
  • Giải thích điều trẻ phải làm thay vì không được làm: Trẻ thường phản đối lại cấm đoán của phụ huynh nên thay vì yêu cầu trẻ không được làm, bạn nên chuyển hướng sang những việc trẻ nên làm. Ví dụ, thay vì nói: “Con không được trêu con mèo”, hãy nói: “Hãy chạm nhẹ vào con mèo không nó sẽ bỏ đi mất nhé”.

4. Khuyến khích bày tỏ cảm xúc

Dạy trẻ chia sẻ về cảm xúc hoặc nói rõ những điều không muốn là cách hạn chế các bé nói “Không”. Từ “không” mang nghĩa chống đối lại hàm ý chung chung nên phụ huynh và con cái không thể hiểu rõ ý tưởng của nhau. Ngược lại, việc khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc giúp hai bên hiểu nhau hơn, từ đó tìm ra phương án phù hợp trong mọi tình huống.

Ví dụ, khi con bạn la hét, nói “Không muốn rời khỏi siêu thị”, hãy hỏi con tại sao lại nói không và đợi trẻ giải thích rõ ràng. Trẻ có thể trả lời vì muốn mua kẹo hoặc muốn chơi đồ chơi. Lúc này, bạn nên dạy con nói: “Con không muốn về vì muốn mua kẹo” thay vì chỉ nói “Không”. Bạn có thể mua kẹo cho trẻ hoặc giải thích tại sao không được mua. Cách làm này sẽ khiến hai bên đều hài lòng thay vì mang sự bực tức không rõ ràng vì trẻ chỉ phản đối.

5. Hạn chế nói “không” với con

Đôi khi, trẻ nói “không” vì học được từ phụ huynh hoặc mọi người xung quanh. Vì vậy, bạn chỉ nên nói với trẻ trong những trường hợp bắt buộc, yêu cầu quan trọng. Ví dụ, nói “không” với việc nghịch dao, lửa trong nhà bếp; nói “không” với việc đi chơi về muộn.

Trong những trường hợp khác, phụ huynh nên thay đổi từ ngữ. Ví dụ, thay vì nói: “Không, con không được xem TV”, bạn hãy nói: “Giờ chúng ta ăn tối, sau đó cùng nhau xem TV nhé”.

6. Khen ngợi

Trẻ em rất thích được khen ngợi hoặc được người lớn đánh giá cao nỗ lực, tính cách của bản thân nên việc di chuyển sự chú ý của các em đến lời khen có thể hạn chế ý kiến trái chiều.

Ví dụ, khi phụ huynh nói: “Con dọn đồ chơi đi, con bày bừa quá!”, trẻ sẽ khó chịu, bực bội vì phải dọn đồ, nhưng vẫn bị nhận xét là bừa bộn. Trẻ sẽ bắt tay vào công việc nếu phụ huynh nói: “Bình thường con rất là chăm chỉ và ngoan ngoãn. Vậy giờ con có thể dọn đồ chơi được không?”.

Tú Anh (Theo Deal with Toddlers, Motherhood)

Để lại một bình luận

Main Menu