Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Rèn luyện kỹ năng tự vệ và thoát hiểm sẽ giúp các em an toàn và tự tin xử lý những tình huống bất ngờ.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học có cần thiết hay không? Dùng phương pháp nào để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học để đạt được hiệu quả cao nhất thì lại là vấn đề không hề đơn giản của rất nhiều bậc phụ huynh.

Cháu tôi học lớp hai rồi nhưng không biết làm gì cả, đến việc rửa mặt mỗi sáng cũng cần bố mẹ giúp. Cháu cũng rất nhút nhát, đi đâu cũng chỉ ngồi một chỗ không dám giao tiếp với ai làm tôi rất lo lắng”, cô Nguyễn Thị Miền, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ khi được hỏi về kỹ năng sống của cô cháu gái Phương Linh đang học lớp 2.

Thực tế trên cho thấy trẻ em khi bắt đầu bước vào độ tuổi đi học khá thiếu và yếu các kỹ năng sống cơ bản như: kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống… Điều này không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn hay thậm chí thua kém bạn bè trong học tập và làm việc mà còn ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Có phải các bậc cha mẹ đang quá coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi tiểu học – những mầm non của đất nước mới bắt đầu bước vào môi trường giáo dục, sinh hoạt tập thể?

Nội dung chính

Vì sao phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học hiện nay

  • Trên thực tế chúng ta nhận thấy rằng học sinh tiểu học hiện nay rất kém các kỹ năng sống căn bản như: kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống… Bởi vậy việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học hiện nay là điều vô cùng quan trọng, cần được cha mẹ, thầy cô hết sức quan tâm.
  • Ngoài ra chương trình học của học sinh hiện nay khá nặng, tình trạng chung ở các trường đều là “cặp to hơn người” khiến các em không còn thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa hay vui chơi giải trí hữu ích mỗi ngày. Điều này dẫn tới sự xung đột giữa nhận thức, thái độ với hành vi trong cuộc sống của trẻ. Và giáo dục kỹ năng sống chính là cách tốt nhất để giải quyết những xung đột ấy cho trẻ.
  • Việc rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập với bạn bè, môi trường tập thể và nhanh chóng khẳng định được vị trí của bản thân mình trong tập thể đó. Vì vậy ngoài học tập thì rèn luyện kỹ năng sống cũng hết sức quan trọng.
  • Kỹ năng sống tốt cũng giúp trẻ sớm có nhận thức về bản thân, gia đình và xã hội. Điều này giúp trẻ có thái độ sống tích cực và lành mạnh hơn rất nhiều.
Cõng trên lưng chiếc cặp to hơn người là hình ảnh thường thấy ở tiểu học

Cõng trên lưng chiếc cặp to hơn người là hình ảnh thường thấy ở tiểu học

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Giáo dục kỹ năng sống qua những công việc thường ngày trong gia đình

“Hôm đó vợ tôi đi vắng, tôi ở nhà cùng con gái học lớp ba, tôi bảo cháu cùng xuống bếp nấu cơm nhưng cháu thản nhiên trả lời: Con không biết làm đâu, ở nhà với mẹ chả bao giờ con phải nấu cơm cả. Tôi thật sự ngỡ ngàng, có lẽ bấy lâu vợ chồng tôi đã quá chiều chuộng con nên đến kỹ năng sống căn bản nhất là tham gia lao động cháu cũng không biết.”, anh Nguyễn Hải Nam, TP. Hải Phòng tâm sự.

Điều này cho thấy các bậc cha mẹ cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ  ngay trong những việc thường ngày trong gia đình. Bố mẹ hoàn toàn có thể làm được điều này thông qua các sinh hoạt trong gia đình như: cùng nhau nấu ăn, trồng cây, tắm cho động vật hay dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra bố mẹ cần chỉ cho con cách cư xử, nói chuyện, giao tiếp với người thân, bạn bè và những người khác. Giáo dục kỹ năng sống không phải là cái gì quá cao siêu đó đơn giản là những suy nghĩ, hành động phù hợp trong mỗi hoàn cảnh.

Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện mình 

Hãy để con bạn được nói lên ý kiến của mình đặc biệt là với những trẻ nhút nhát rụt rè. Đó có thể là những suy nghĩ hết sức ngây ngô thậm chí có phần khó hiểu tuy nhiên lại là cơ hội để trẻ thể hiện bản thân và bạn có thể chỉ bảo uốn nắn con mình.

Nhờ đó kỹ năng giao tiếp của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể làm nâng cao kỹ năng sống cho trẻ. Ngoài ra bạn có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể trong gia đình, khu phố và cho trẻ làm “thủ lĩnh”, điều này sẽ giúp trẻ tự tin, hoạt bát và thể hiện được cá tính bản thân như: các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, thi kể chuyện, thi ứng xử…

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Tổ chức hoạt động vui chơi giải trí

Đó có thể là những buổi đi chơi, dã ngoại, tìm hiểu về các địa danh nổi tiếng, thăm quan vườn bách thảo, bách thú hay một làng nghề. Qua đó trẻ sẽ có cơ hội giao tiếp và học hỏi rất nhiều điều trong thực tế. Ngoài gia đây cũng là cơ hội để bạn và trẻ cùng cải thiện kiến thức xã hội nữa đấy.

VD: Bạn có thể cho trẻ và các bạn của chúng cùng đi thăm bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và dạy cho chúng về 54 dân tộc anh em trên đất nước mình.

Bố mẹ cũng có thể cho trẻ tham gia học những khóa học ngoại khóa mà trẻ yêu thích như học vẽ, học múa hay tham gia tìm hiểu các vấn đề xã hội, thuyết trình về các vấn đề đơn giản. Những hoạt động như thế không chỉ giúp trẻ vui vẻ hơn mà còn đem lại một lượng kiến thức và kỹ năng vô cùng lớn trong cuộc sống.

Phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Đây là điều vô cùng quan trọng để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Phải luôn đảm bảo trẻ được học kỹ năng sống cả ở trường và ở nhà. Giáo viên và phụ huynh cần thường xuyên giữ liên hệ với nhau, cung cấp các thông tin cần thiết về sự phát triển, thay đổi của trẻ ở từng giao đoạn khác nhau để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp.

Chị Phan Thu Hoài, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên của cháu. Điều nàu không chỉ giúp tôi biết được tình hình học tập của cháu mà còn là sợi dây liên hệ để biết được những thay đổi trong tư duy cách suy nghĩ của cháu qua đó tìm cách dạy cháu những kỹ năng sống cần thiết mỗi ngày.”

Đặc biệt mỗi bậc phụ huynh đều phải luôn rèn luyện mình để nâng cao kỹ năng sống của bản thân, trở thành tấm tương sáng cho con cái mình noi theo.

Qua bài viết này có thể khẳng định việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là vô cùng quan trọng và cần thiết. Để làm được điều đó đòi hỏi cần có sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của mỗi bậc phụ huynh thì mới có thể thực hiện được.

Để lại một bình luận

Main Menu