Một số trẻ kỳ vọng cao về bản thân hoặc cảm thấy bố mẹ, bạn bè kỳ vọng cao về mình nên đã gian lận để đáp ứng mong đợi đó.
Một số trẻ muốn thắng bằng mọi cách bởi không thể chấp nhận hay đối mặt với sự thua cuộc. Và để dạy chúng cách chấp nhận thất bại sẽ mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, trẻ có thể gian lận bởi thấy bài tập hay môn thể thao nào đó quá khó. Chúng tìm cách gian lận để có thể đuổi kịp bạn bè ở trường lớp cũng như trong các hoạt động xã hội.
Thói quen gian lận về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách. Khi phát triển trẻ có hành vi này, bố mẹ cần làm những điều sau để ngăn chặn:
Đừng tạo áp lực lên trẻ
Khi trẻ gian lận, bố mẹ cần tìm hiểu xem vì sao chúng làm vậy. Những câu so sánh kiểu “Con phải cố gắng để học được như cái A” hay “cái B lúc nào thi cử cũng được điểm cao” sẽ khiến trẻ bị căng thẳng và có tư tưởng bắt buộc không được thua kém người khác.
Khi thực lực của trẻ không đủ, chúng sẽ tìm cách gian lận. Trường hợp này, bố mẹ cần sửa sai ngay lập tức. Thay vì nhấn mạnh vào thành tích, bố mẹ nên nhấn mạnh vào quá trình học tập, thi đua của con. Kết quả thắng thua, cao thấp không quan trọng nếu con đã nỗ lực hết sức.
Ngoài ra, khi phát hiện con gian lận, bố mẹ tránh mắng mỏ hay gọi con là kẻ dối trá. Điều này sẽ khiến con bị tổn thương, nghiêm trọng hơn là làm chúng tái diễn những hành động gian lận.
Trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo
Bố mẹ có thể dạy trẻ nói không với gian lận bằng cách tham gia trò chơi như chơi game, bóng đá… Khi thua cuộc, bạn hãy thật vui vẻ và nói: “Hôm nay chơi vui thật đấy. Dù thua nhưng bố/mẹ cũng đã nỗ lực hết sức mình”. Trường hợp con thua, bạn cũng hãy khen ngược lại nỗ lực của con.
Bố mẹ cần chú ý những hành động thường ngày của mình, nếu dạy con không được gian lận mà bản thân lại vi phạm (chẳng hạn không trả tiền thừa khi nhân viên bán hàng đưa nhầm) thì con sẽ không bao giờ sửa được thói quen xấu.
Chỉ cho trẻ thấy hậu quả của gian lận
Đây là cách mạnh mẽ khiến trẻ sợ và không dám tái phạm hành vi xấu. Ví dụ, bố mẹ có thể nói về những điều sẽ xảy ra khi trẻ gian lận và bị mọi người phát hiện: các bạn khác bị ảnh hưởng, bạn bè tẩy chay, mọi người không tin tưởng… Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ hãy hỏi cảm giác của trẻ về những điều đó.
Cho trẻ cơ hội thử thách ở những vấn đề khác trong cuộc sống
Nếu trẻ học kém và thấy tự ti vì điều đó, bố mẹ có thể cho trẻ thử thách ở những bộ môn thể thao như đá bóng, chơi cờ, bơi lội… Việc cảm thấy mình có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó sẽ củng cố lòng tự trọng, sự tự tin ở trẻ. Do vậy, chúng sẽ ít bị áp lực và có ít khả năng gian lận hơn.
Đưa ra các hình phạt hợp lý
Khi trẻ gian lận, bố mẹ có thể xem xét đưa ra một số hình phạt, như lấy đi các đặc quyền được xem tivi, được chơi game và khoảng thời gian đó sẽ dành để hối lỗi. Bố mẹ nhớ đừng đánh đòn hay chửi mắng trẻ nặng nề vì những hình phạt đó có thể gây ra hậu quả tiêu cực.
Trường hợp đã phạt trẻ vẫn không thay đổi, bố mẹ nên cân nhắc nhờ chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt để tránh các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra.
Thanh Hương (Theo Raisingchildren)