DENLEDNHAT.COM – Nghiên cứu của TS Lê Đăng Quang cho thấy, sử dụng giấy sách, vở, photocopy… có độ trắng cao sẽ ảnh hưởng đến mắt.
Gắn camera vào mắt học sinh
Theo TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục, nhiều người vẫn quan niệm, dùng giấy càng trắng càng tốt. Nhìn lướt qua, tưởng chừng giấy trắng mực đen sẽ rõ ràng, nổi bật. Tuy nhiên, khi đọc những dòng chữ chi chít trên trang giấy, nhất là đọc hết trang này sang trang kia thì mắt sẽ bị lóa, mỏi và lâu ngày dễ sinh cận thị.
Để tìm ra độ trắng của giấy phù hợp, TS Nguyễn Đăng Quang cùng các bác sĩ Học viện Quân y đã dùng camera độ phân giải cao gắn gần mắt, ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc. Qua đó đo các thông số: Kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát mắt và xa mắt, số lần nháy mắt.
>>> Xem thêm bài viết: Thực hư “vở viết chống lóa mắt”
“Các thông số này thể hiện sự thích nghi của mắt với cường độ ánh sáng được phản chiếu từ trang giấy mà học sinh đang đọc. Nếu trước và sau khi đọc có sự thay đổi nhiều về đường kính đồng tử, khe mi nghĩa là trong quá trình đọc sách học sinh phải điều tiết nhiều để thích nghi với cường độ ánh sáng phản chiếu. Sự thay đổi đường kính đồng tử của học sinh khi nhìn vật ở gần và ở xa đánh giá độ tập trung của mắt”, TS Nguyễn Đăng Quang giải thích.
Giấy trắng 75% ISO phù hợp với mắt
Kết quả quá trình thực nghiệm trên 102 em chia làm 2 nhóm học sinh tiểu học và THCS cho thấy, sự thay đổi của kích thước đồng tử trước và sau khi đọc hết hai trang giấy ở mẫu giấy có độ trắng 82 – 84% ISO là lớn nhất. Ở mẫu giấy có độ trắng 73 – 75% ISO là thấp nhất. Sự thay đổi của khoảng cách khe mi ở mẫu giấy có độ trắng 80 – 82% ISO là lớn nhất và ở mẫu giấy có độ trắng 73 – 75% ISO là thấp nhất. Sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn gần và xa ở mẫu giấy có độ trắng 80 – 82% ISO là lớn nhất và ở mẫu giấy có độ trắng 73 – 75% ISO là thấp nhất.
“Từ các kết quả trên cho thấy, đối với học sinh, trong các mẫu giấy đã đem thử nghiệm, độ trắng phù hợp nhất đối với thị lực là độ trắng 73 – 75% ISO. Độ trắng này có thể áp dụng cho sách giáo khoa, vở viết, thậm chí cả giấy in, photocopy…”, TS Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
Trẻ thiếu kỹ năng thị giác
Ở góc độ y học, TS.BS Vũ Quốc Lương, Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Viện Mắt T.Ư cho hay, cường độ học quá nhiều, quá căng thẳng, kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn, tư thế ngồi học không đúng, thiếu ánh sáng, sử dụng vi tính hoặc xem tivi quá nhiều và giấy có độ trắng không phù hợp… là các yếu tố làm gia tăng cận thị.
Ngoài ra, phần lớn các nhiệm vụ ở trường học được thực hiện với chức năng thị giác và trên 80% lượng thông tin trẻ em tiếp nhận từ thế giới xung quanh thông qua đôi mắt. Tuy nhiên, trên 20% số trẻ có kỹ năng thị giác không tốt và tới 90% trẻ có vấn đề về đọc là do kỹ năng thị giác không đạt yêu cầu…
TS.BS Quốc Lương khuyến cáo, khi trẻ 4 tháng tuổi, các bậc phụ huynh đã phải theo dõi hoạt động mắt của con, 6 – 12 tháng đưa con đi kiểm tra mắt để phát hiện bệnh lý nếu có một cách sớm nhất, giảm bớt ánh sáng trong phòng, phối hợp các hoạt động tay chân và mắt khi bé trong vòng một tuổi.
Giai đoạn trẻ đi học mẫu giáo cần khám mắt ít nhất hai lần. Cho trẻ chơi các trò phát huy kỹ năng thị giác như nhìn bao quát, vẽ tranh ảnh… Khi trẻ đi học cần rèn kỹ năng thị giác tốt hơn bởi khi mắt kém trẻ sẽ học kém và không tham gia tốt vào các hoạt động ngoại khóa ở trường. Ngoài ra, cần đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện như hay dụi mắt, đau đầu, tránh các công việc nhìn gần, bỏ qua hay đọc nhầm chỗ chữ nhỏ… Luyện cho trẻ cách đọc sách khoa học như đọc trong phòng sáng đầy đủ, không có nhiều quầng sáng hoặc khoảng tối rộng, sau một thời gian cần rời mắt khỏi quyển sách nhìn ra xa hoặc nhìn vật xung quanh. Hướng dẫn trẻ lựa chọn chương trình tivi để xem, bật đèn khi xem, chơi máy tính mỗi lần 20 phút, màn hình phải thẳng mặt…
Giấy độ trắng thấp trên thị trường còn được gọi là giấy chống lóa. Giấy có màu trắng tự nhiên, tức ngả vàng. Loại giấy này đã được áp dụng cho các loại sách vở, giấy in, photocopy…
Theo: Kienthuc