Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

moi-ngay-den-truong-la-mot-ngay-vui

DENLEDNHAT.COM – Tại Việt Nam, hầu hết các trường tiểu học đều có khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trường mầm non nào cũng có những câu đại loại: Cô là mẹ, trẻ là con… Thế nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh  chưa thật sự thấy được niềm vui trong mỗi ngày đến trường và một số trẻ mẫu giáo thường sợ hãi khi nhắc đến cô giáo…

Đến trường mầm non là bước ngoặt đáng kể đầu tiên với trẻ em độ tuổi mầm non. Đây là thời điểm quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời của trẻ. Chuyển tiếp từ môi trường gia đình quen thuộc sang môi trường trường mầm non xa lạ mang lại nhiều bỡ ngỡ, khó khăn và cả thách thức, không chỉ riêng cho trẻ mà còn cho gia đình trẻ.

Để các em muốn đến trường?

Theo tôi, trước tiên, trường lớp phải sạch đẹp, Cảnh quan sư phạm trường học bao gồm hệ thống cây xanh, đường đi lối lại trong khuôn viên, bồn hoa, thảm cỏ, khu vui chơi giải trí… phải khang trang, quy củ. Trường học không nhất thiết phải quá to, hiện đại mà cần làm sao cho các em cảm nhận được nó xinh xắn với màu sơn sáng sủa, với sân chơi sạch sẽ, có cây che bóng mát, có hoa lá trong sân, có những ghế đá ngồi đọc sách hay trò chuyện cùng bạn bè…

Nói thì dễ như thế nhưng thực tế hiện nay nhiều trường thiếu sân chơi, trường học quanh quẩn chỉ là phòng các em học mà thôi. Ngoài ra cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phải đảm bảo đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, phòng Thư viện có đầy đủ các loại sách, báo, tranh ảnh, truyện các loại và có đủ bàn ghế cho HS ngồi đọc,…

Kế đến là lớp học, làm sao khi bước vào lớp các em thấy nó thật gần gũi và thoải mái như mình đang ở một nơi rất quen thuộc. Vậy cho nên phòng phải đủ ánh sáng, không quá chật hẹp để các em có thể dễ dàng xoay trở, phòng học có tủ sách đọc thêm, có nơi trưng bày sản phẩm của các em… để khi bước vào lớp các em luôn cảm thấy đây là nơi của mình.

Nhưng quan trọng nhất, quyết định nhất chính là lời nói, cách cư xử, thái độ và phương pháp giảng dạy của các thầy cô trực tiếp dạy dỗ trẻ. Thầy cô phải làm sao cho các em tin tưởng, gần gũi, yêu thương mình như cha mẹ, có như thế trẻ mới không thấy bị lạc lõng, bị cô lập và biết chắc rằng luôn có người chia sẻ cùng mình khi gặp khó khăn trước các tình huống cần giải quyết trong môi trường mới, đang hình thành những mối giao tiếp mới, phức tạp hơn.

Để làm được điều đó, giáo viên tiểu học phải yêu thương học sinh như con cái và thân thiết với chúng như bạn bè. Giáo viên phải làm sao cho học sinh trong lớp đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau qua sinh hoạt hàng ngày, qua học tập, qua các phong trào của trường, của lớp. Có như thế, thầy cô mới khám phá những ngóc ngách trong tâm hồn mà trẻ chỉ biểu lộ với người chúng yêu thương và tin tưởng.

Đạt được điều đó là giáo viên đã làm cho các em thích đến trường vì các em cảm nhận được ở trường các em cũng được yêu thương, bảo vệ như ở nhà. Học sinh thích đến trường là chúng ta đã đạt được thành công bước đầu. Từ bước khởi đầu đó, giáo viên cần đầu tư cho kiến thức và phương pháp giảng dạy để mỗi tiết học, trẻ hứng thú vì khám phá được nhiều điều hay, bổ ích.

Kiến thức là vô tận, người giáo viên luôn phải tìm hiểu nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin để bài giảng của mình luôn mới, hay, gắn với thực tế, không củ kĩ, thậm chí đôi khi lạc hậu như một vài nội dung trong sách giáo khoa chỉ làm các em nhàm chán. Song song đó, giáo viên phải đầu tư cho tiết dạy.

Tiết học ở tiểu học càng thoải mái, càng vui thì các em càng dễ tiếp thu. Giáo viên hãy mạnh dạn sáng tạo các trò chơi, các hoạt động sao cho đạt mục tiêu bài dạy, không nên cứ bám lấy nội dung trong sách giáo khoa, bám các bước lên lớp trong sách giáo viên. Sử dụng, phối kết hợp các phương pháp giảng dạy, các hình thức tổ chức dạy – học sao cho kích thích được tư duy học sinh, tạo cho học sinh thích được khám phá, tìm tòi… là chúng ta đã làm cho học sinh thích học.

“Em yêu trường em với bao bạn thân và cô giáo hiền như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương…”. Khi đứa trẻ ở bậc tiểu học đến trường, cất lên lời hát như thế thì chắc chắn rằng chúng rất yêu trường lớp và rất thích đi học nhưng làm thế nào để trẻ thích đi học? để trẻ yêu trường, mến lớp như ngôi nhà thứ hai của mình? Đó chính là công việc không hề đơn giản mà nhà trường và thầy cô giáo ở trường tiểu học phải thực hiện.

Cổ nhân đã từng răn dạy “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nếu thầy cô có tấm lòng yêu thương học sinh, có lòng tận tụy với nghề thì không phải chỉ bằng tài năng mà bằng chính trái tim và khối óc, giáo viên sẽ tự trang bị cho mình những điều cần thiết, để bằng mọi cách làm cho học sinh thích đi học, và thích học, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ còn là khẩu hiệu.


Xây dựng môi trường giáo dục tạo hứng thú cho HS

Trường học thân thiện là một mô hình trường học do UNICEF đề xướng, xây dựng và triển khai từ vài thập kỷ nay ở nhiều nước trên thế giới và đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ở Việt Nam, mô hình này đã được xây dựng ở các trường tiểu học nhưng dưới tên gọi “trường học bạn hữu trẻ em”.

“Trong trường học thân thiện, HS sẽ biết kết hợp học và chơi, chơi để học. Các GV dùng các quy tắc của trò chơi nói chung cũng như trò chơi dân gian để khơi gợi bản sắc văn hóa truyền thống, giúp trẻ định hình các giá trị: biết tôn trọng bản thân, biết tôn trọng người khác, có khả năng hợp tác với  người khác. Khi có xung đột thì biết sử dụng các kỹ năng: giải quyết vấn đề, thương lượng, thuyết phục… để đạt hiệu quả”. 

Tham khảo mô hình trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội

Giúp trẻ tự tin, thích đi học

Phòng học văn hóa có diện tích 50m2/phòng.

Thành lập năm 2010, trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội được xây dựng trên mảnh đất rộng 8.592m2, bao gồm 1 tòa nhà 6 tầng với diện tích sàn 1.500m2. Hệ thống phòng học văn hóa của trường là 65 phòng học có diện tích 50m2/phòng, được trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, màn hình LCD 42″, loa, bảng chống lóa, đèn chống cận, quạt, điều hòa.

Phòng vi tính của trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội

Bên cạnh đó, hệ thống phòng chức năng cũng rất đa dạng, từ phòng học bổ trợ như thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học Tiếng Anh, phòng máy tính đến phòng học các môn nghệ thuật: phòng  học múa, học đàn, học vẽ. Các em còn có nơi giải trí là phòng chiếu phim và không gian sinh hoạt chung tại phòng ăn, phòng ngủ trưa. Không gian còn lại là sân chơi của học sinh với sân cỏ nhân tạo dành cho học sinh đá bóng.

Giờ Mỹ thuật của lớp 1A2

Trường xây dựng mô hình “Trường học ưu việt – Giáo dục phát triển đa trí thông minh” với câu khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Mô hình Trường học ưu Việt – Giáo dục phát triển đa trí thông minh

  1. Có kiến thức phổ thông vữngvàng theo chuẩn của Bộ GD-ĐT
  2. Có khả năng tiếng Anh và tin học vượt trội
  3. Phát triển các năng lực trí tuệ: IQ, CQ, EQ, SQ… dựa trên tố chất của từng học sinh
  4. Giáo dục hình thành các giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống
  5. Phát triển kỹ năng lãnh đạo ngay từ tuổi tiểu học
  6. Hình thành những nét nhân cách cốt lõi (độc lập, chủ động, tự tin và kiên trì vượt khó)
  7. Hiểu biết lịch sử, văn hóa Việt Nam và thế giới (ý thức của người

Mô hình Trường học ưu Việt – Giáo dục phát triển đa trí thông minh có sự kế thừa, kết hợp những yếu tố tinh hoa, hợp lý của mô hình trường học đa trí tuệ (Multiple Intelligence) của Mỹ, mô hình trường học thân thiện (Child-friendly school) do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề xướng và mô hình trường học xuất sắc (School Excellence Model) của Singapore. Mô hình này đáp ứng được các yêu cầu giáo dục phát triển các dạng trí tuệ khác nhau, dựa trên những lý thuyết mới nhất về giáo dục nhân cách, trí tuệ, giá trị sống và phát triển kỹ năng sống nhằm phát triển toàn diện nhân cách của học sinh.

Giờ hướng dẫn học tại lớp 1A1

Học sinh được hướng dẫn các tư thế ngồi học, cách cầm bút, các bài tập thư giãn mắt, chống cận thị học đường, các bài tập thể dục nhịp điệu, bài tập yoga cơ bản… nhằm hình thành các thói quen rèn luyện thể lực và nền tảng sức khỏe tinh thần giúp học sinh hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập.

Trường chủ trương giáo dục toàn diện cho học sinh, ngoài học chính còn có chương trình ngoại khóa, các hoạt động tập thể vào những ngày lễ lớn trong năm, đi trải nghiệm thực tế. Như vừa qua các em được tham gia chương trình dã ngoại trải nghiệm kỹ năng sống “Bác nông dân tí hon” tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Các em cũng được đi tham quan theo chủ đề hoạt động của tháng như đi thăm lăng bác, tham quan bảo tàng Quân đội, Thành cổ Hà Nội.

Học sinh trường Tiểu học Ngôi sao thi đấu bóng đá trên sân bóng nhân tạo của trường trong Hội khỏe Phù đồng cuối tháng 10/2011.

Không chỉ thế, nhà trường còn quan tâm hướng học sinh đến những hoạt động từ thiện vì cộng đồng, qua đó dạy các em bài học về sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ đối với những người không may mắn trong xã hội.

Trung thu vừa qua, trường đã tổ chức chương trình vui tết Trung thu mang tên “Vầng trăng nhân ái” nhằm kêu gọi học sinh, phụ huynh và các nhà hảo tâm giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hay mới đây, lớp 2A2 của trường đã đến thăm và tặng quà các bạn nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em số 4 (Ba Vì, Hà Nội).

Gần đây nhất, đầu tháng 11, hưởng ứng cuộc vận động của Hội đồng Đội quận Thanh Xuân, trường đã trích từ quỹ từ thiện ủng hộ đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới hải đảo. Ngày 16/11 tới, trường Tiểu học Ngôi sao sẽ phối hợp với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phát động chương trình quyên góp ủng hộ học sinh nghèo vùng cao.

Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội nhấn mạnh đến việc giúp trẻ tự tin, giúp trẻ thích đi học, đến lớp vui từ việc học, chơi và hoạt động tập thể và biết tự học. Các em được dạy những kỹ năng sống bình thường, không phải cao siêu từ việc chơi với nhau phải đồng thuận, chia sẻ, giao tiếp như thế nào, xử lý các tình huống. Đó là những gì đời thường, không khô cứng, giáo trình khuôn sáo” – cô Phạm Thị  Bích Ngà, chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội, chia sẻ.

Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em

Cơ sở vật chất và chất lượng bán trú là một trong những yếu tố được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm khi lựa chọn trường học cho con, nhất là ở cấp tiểu học. Bước sang năm thứ 2, bên cạnh giảng dạy, trường Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội đã tạo được niềm tin đối với các bậc phụ huynh bằng việc quan tâm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

Phòng ăn

Thế mạnh trong hoạt động bán trú của nhà trường là cơ sở vật chất tốt, có phòng ăn riêng. Bữa ăn ngon miệng, an toàn và giấc ngủ trưa đúng giờ  giúp các em đảm bảo sức khỏe để học tập và vui chơi.

Để mang đến khẩu phần đủ dinh dưỡng và ngon miệng cho học sinh, bộ phận bán trú của trường thay đổi thực đơn hàng ngày. Mỗi bữa ăn, học sinh đều có thịt hay cá, rau, canh, cơm và hoa quả tráng miệng. Thứ 6 hàng tuần có bữa cải thiện với đùi gà chiên giòn hoặc thay cơm bằng phở bò hay bún chả.

Ngoài bữa chính, các em còn được ăn sáng và quà chiều tại trường. Cả hai bữa cũng được thay đổi rất linh hoạt và thường là những món ăn nhẹ các em rất thích. Mỗi ngày đến trường, các em đều thích thú với những bữa ăn ngon miệng, đảm bảo chất và vệ sinh nên ai cũng ăn hết suất.

Bên cạnh nguyên liệu tươi xanh, chế biến là khâu quan trọng cho một bữa ăn ngon tại trường. Nhà bếp thực hiện theo một quy trình vòng tròn, từ sống đến chín. Rau được ngâm muối từ 30 phút đến một tiếng, thịt trần qua nước sôi trước khi chế biến, nước máy cũng được xử lý qua hệ thống lọc trước khi đưa vào sử dụng. Bát đĩa cho học sinh ăn được rửa sạch, tráng nước sôi, phơi khô trước khi dùng. Trước khi ăn, học sinh được rửa tay sạch bằng xà bông diệt khuẩn.

Em Hà Khánh Vi, học sinh lớp 1A1

Em Hà Khánh Vi, học sinh lớp 1A1, hồn nhiên kể: “Con thích đi học, đến lớp rất thích. Con thích nhất môn Học vần, à, con còn thích môn Viết bảng nữa. Vừa rồi con tham gia Hội khỏe Phù đồng đấy. Ăn ở trường rất ngon và vui, con ăn hết, không bỏ lại”.

Phòng ngủ

Không chỉ bữa ăn, việc chăm sóc giấc ngủ cũng được đặc biệt quan tâm trong công tác bán trú của nhà trường. Sau bữa ăn trưa, các em được giải trí bằng phim hoạt hình hoặc chương trình quà tặng cuộc sống trước khi vào giờ ngủ.

Với phương châm tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trước khi ngủ, các em còn được nghe những câu chuyện về bài học làm người phù hợp với lứa tuổi và được ru ngủ bằng những bản nhạc không lời êm ái.

Chương trình phim và truyện được lên lịch chi tiết cho từng ngày, từng tuần để tránh sự lặp lại gây nhàm chán cho các em.

Để các em có được giấc nghỉ trưa thoải mái, nhà trường có hệ thống phòng ngủ trưa riêng biệt với điều hòa, chăn đệm sạch sẽ.

Chính vì việc đến trường để học nhưng lại rất thoải mái, vui vẻ, nhiều hoạt động ngoại khóa lý thú nên các em học sinh của trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội luôn tìm thấy niềm vui ở trường.

Trả lời

Main Menu