Hai con gái có thói quen nói dối, đổ lỗi cho người khác, Vicki Glembocki, sống tại Mỹ, đã tham vấn chuyên gia, tìm ra năm phương pháp giúp con sửa đổi.
Vicki Glembocki chia sẻ các phương pháp này trên Parents:
Một ngày nọ, tôi hỏi Drew, con gái 8 tuổi, rằng “Tại sao con để mở cửa xe?”. Con gái tôi ngập ngừng trả lời rằng: “Con … thì… à chị Blair (chị họ của Drew) bảo rằng chị ấy sẽ đóng cửa xe”. Tuy nhiên, Blair không ngồi trên ôtô ngày hôm đó và Drew đã đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, thay vì nhận lỗi về mình.
Tôi nhận thấy trong nhiều tháng liền, việc đổ lỗi cho người khác đã trở thành thói quen xấu của con gái. Bất kể quần áo cháu bị bẩn, phòng ngủ bừa bộn, viết sai chính tả, Drew đều gán lỗi cho một ai đó. Tuy nhiên, việc đổ tội cho Blair dù cô bé không làm gì là cách hành xử không đúng đắn và tôi cần nói chuyện với con.
Tôi cúi xuống, cầm lấy bàn tay nhỏ bé của con và nói: “Drew, con cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình”. Ban đầu, cháu không hiểu, nhìn chăm chú tôi bằng ánh mắt vô tội. Tôi giải thích thêm: “Con cần thừa nhận lỗi sai của mình và phải có trách nhiệm sửa đổi”.
Vẫn là ánh mắt ngơ ngác ấy. Với trẻ con, những việc như “chịu trách nhiệm cá nhân”, “thừa nhận sai lầm” vẫn còn trừu tượng. Việc đổ lỗi trở thành thói quen ngay cả khi trẻ chưa hiểu rõ về hành động này vì các em không muốn gặp rắc rối, cảm thấy xấu hổ hoặc sợ bị phạt. Trẻ muốn được vui vẻ và hạnh phúc.
Bạn không nên làm ngơ thói quen xấu xí này của con. Những đứa trẻ thích kiếm cớ thường trở thành người thiếu tự tin, ngại mạo hiểm và không đáng tin cậy. Đặc biệt hơn, khi một đứa trẻ làm vậy, số khác sẽ học theo, hình thành nên nhóm chuyên thích đổ lỗi.
Em gái của Drew, Camille, 4 tuổi, gần đây đã nói với tôi rằng không muốn dọn đồ chơi mà bé đang dùng vì đó là của chị gái. Đã đến lúc hai bé con của tôi cần học cách ngừng đổ lỗi và thừa nhận sai lầm của mình.
Sau khi tham khảo lời khuyên của các chuyên gia, nhà tư vấn trẻ em, tôi tìm ra 5 phương pháp giúp con gái học cách chấp nhận và sửa đổi sai lầm của mình.
1. Làm chủ quyết định
Hầu như mỗi ngày, từ lúc thức dậy, trẻ em đều được người lớn nhắc phải làm gì như đánh răng, rửa mặt, học bài. Mọi hành động, suy nghĩ của trẻ đều được lên kịch bản nên không nhận ra mình là người kiểm soát và quyết định hành động của mình, từ đó nảy sinh tâm lý đổ lỗi cho người khác.
Trước khi học cách thừa nhận sai lầm, trẻ nên được dạy cách làm chủ cuộc sống của mình. Để làm được điều này, phụ huynh phải ngừng việc nhắc nhở, ra chỉ dẫn cho con thường xuyên, đặt nhiều câu hỏi mở để con chủ động quyết định.
Chẳng hạn, một tối muộn, tôi phát hiện Drew và chị em họ quên đóng cửa gara sau khi cất xe đạp. Thay vì nói: “Drew, con quay lại đóng cửa gara đi”, tôi gợi ý việc vi phạm bằng câu hỏi mở: “Các con có quên làm gì không?”.
Sau đó, tôi thấy các cháu lục tìm đèn pin trong nhà, soi đường ra gara. Chẳng mấy chốc, tôi nghe thấy tiếng cửa gara đóng rầm, Drew quay vào nhà và nói: “Mẹ ơi, con đóng cửa gara rồi”.
Khoảnh khắc đó ấn tượng đến mức tôi suýt quên phải nói gì. Sau cảm xúc vui mừng, tôi nhận xét: “Ồ, mẹ thấy con và các chị đã giải quyết rất tốt. Các con tìm đèn pin, tự đi về phía gara để đóng cửa dù mấy đứa sợ bóng tối. Các con làm tốt lắm”.
2. Tự lựa chọn
Người lớn có hàng tá vấn đề cần lựa chọn như “Tôi nên làm việc hay chăm con”, “Tôi nên mua cái này hay cái kia”, nhưng chúng ta suy nghĩ trong đầu và hầu như hiếm khi nói ra. Và vì chúng ta không chia sẻ, trẻ không hiểu được cần lựa chọn những điều tốt nhất mà thường chọn theo bản năng hoặc sở thích.
Bạn nên để con tự đưa ra quyết định trong những vấn đề mang tính lựa chọn và nếu con chọn sai, hãy gợi ý, giải thích để bé hiểu ra lỗi lầm, từ đó rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Được tự lựa chọn, mắc sai lầm và sửa đổi là chuỗi dây chuyền không chỉ giúp trẻ học cách ngừng đổ lỗi mà còn nhận ra sai lầm của bản thân, học cách chịu trách nhiệm.
Chẳng hạn, vào một ngày trời lạnh, Drew nằng nặc đòi tôi cho đi đôi dép xỏ ngón yêu thích. Tôi hỏi: “Con có chắc chắn về quyết định này không? Con có những đôi giày ấm áp hơn”, nhưng bé gật đầu thật mạnh. Vậy là tôi đồng ý.
20 phút sau, Drew chạy về nhà, khóc và nói rằng chân cháu lạnh cóng. Tôi hỏi: “Tại sao chân con bị lạnh?”, cháu nói: “Thì nó lạnh mà mẹ”. Tôi tiếp tục hỏi: “Nhưng tại sao nó lại lạnh?”. Cuối cùng, Drew nấc lên, chỉ vào đôi dép và nói rằng: “Mẹ ơi, tại đôi dép xỏ ngón”.
Nhiệm vụ đã hoàn thành. Tôi đã để con tự quyết định và vấp ngã bởi quyết định của mình nhưng lần sau Drew sẽ lựa chọn tốt hơn, không chỉ trong giày dép mà còn ở trang phục nói chung.
3. Không làm hộ
Khi trẻ quên sách vở ở nhà, nhiều phụ huynh mang nó đến trường. Khi trẻ để phòng bừa bộn, nhiều người dọn dẹp cho con. Nếu cha mẹ thay con sửa chữa sai lầm và giải quyết vấn đề, trẻ sẽ càng thích đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
Một ngày, khi thả Blair ở trường, cháu gái tôi nói: “Con quên vở bài tập ở nhà”. Tôi chỉ nhún vai, không bảo sẽ quay về lấy hộ cháu. Blair bực tức đi vào lớp học nhưng tối hôm đó tôi thấy cháu soạn sách vở rất lâu. Trước khi ngủ, Blair nói: “Dì ơi, con đã cất vở bài tập vào cặp, mai con sẽ không quên đâu”.
4. Nhận tội
Khi con bạn làm sai và đã hiểu ra lỗi sai nằm ở phía mình, hãy dạy con nói: “Đây là lỗi của con” hoặc “Con xin lỗi”. Xin lỗi là hành động quan trọng, thể hiện trẻ đã nhận thức được sai lầm của mình và rất tiếc về những điều ấy.
Nhưng nó chỉ thực sự chân thành khi trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình và mong muốn được sửa đổi. Nếu trẻ mắc lỗi, bạn hãy giải thích cho con hiểu con sai ở đâu, sai như thế nào và nhắc con nói lời xin lỗi.
5. Nghiêm khắc
Một khi trẻ dần nhận ra sai lầm của mình, bạn không nên dừng việc chỉ bảo và huấn luyện. Việc đổ lỗi đã trở thành thói quen của trẻ nên khó thay đổi trong một sớm một chiều. Nhiệm vụ của phụ huynh là liên tục lặp lại các phương pháp, duy trì nguyên tắc nuôi dạy, không nên lơ là quá sớm.
Một tối, khi Drew chưa rửa bát đũa, tôi hỏi và cháu thừa nhận: “Tối nay, con chưa hoàn thành nhiệm vụ vì Blair không dọn đồ ra cho con rửa”. Bằng giọng cứng rắn, tôi hỏi: “Từ từ nào Drew. Hãy thử lại lần nữa”.
Drew hét lên: “Mẹ à, thật không công bằng”. Tôi thản nhiên: “Có thể vậy. Nhưng con có thể giải thích lại cho mẹ không?”. Sau hồi lâu, Drew làm tôi ngạc nhiên khi nói một cách chân thành: “Con đã không rửa bát đũa. Con xin lỗi mẹ”.
Tú Anh (Theo Parents)