Dấu hiệu nhận biết trẻ hướng ngoại

Tuổi thơ con là những cánh diều no gió

Trẻ hướng ngoại thích được chia sẻ ý kiến, quan điểm riêng, không ngần ngại bảo vệ lập trường và thích truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.

1. Bạo dạn

Một số đứa trẻ tỏ ra nhút nhát khi tiếp xúc với đám đông người lạ, chẳng hạn bạn bè ở sân chơi hoặc ngày đầu tiên đi học. Tuy nhiên, trẻ hướng ngoại có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, làm quen với những người lần đầu gặp mặt. Các em yêu thích khám phá, tham gia thử thách hoặc sáng tạo trò chơi mới.

2. Hoạt ngôn

Trẻ hướng ngoại thích tương tác với mọi người xung quanh theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là trò chuyện. Các em thích được giao tiếp, thậm chí không cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu đề tài dù đã nói rất nhiều. Khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, các em thích ở cạnh những người hoạt ngôn giống mình.

Khác với trẻ hướng nội suy nghĩ trong im lặng, trẻ hướng ngoại vừa suy nghĩ vừa nói. Các em có thể cải thiện hành vi, nhận thức tốt hơn khi được nói ra những vấn đề khúc mắc trong lòng. Vì vậy, khi nuôi dạy trẻ hướng ngoại, phụ huynh nên dành nhiều thời gian lắng nghe và trò chuyện cùng con.

3. Thích hoạt động nhóm

Trái ngược với trẻ hướng nội thích tự mình thực hiện nhiệm vụ, trẻ hướng ngoại làm việc tốt nhất theo nhóm. Ví dụ, ở trường, các em thích tham gia câu lạc bộ, đội nhóm hoặc làm bài tập nhóm và đạt kết quả tốt hơn khi làm việc một mình.

Nhiều trẻ hướng ngoại còn xung phong làm nhóm trưởng để lãnh đạo hoặc thuyết phục mọi người làm theo ý tưởng của mình. Khả năng kết nối mọi người xung quanh là đặc điểm của trẻ hướng ngoại nên việc các em đóng vai trò lãnh đạo là bình thường. Các em cũng thích được tạo ảnh hưởng hoặc truyền cảm hứng cho mọi người.

Trẻ hướng ngoại thích hoạt động nhóm. Ảnh: Istock. 

Trẻ hướng ngoại thích hoạt động nhóm. Ảnh: Istock. 

 

4. Thích tham gia hoạt động xã hội

Không chỉ thường xuyên tham gia hoạt động nhóm, trẻ hướng ngoại thích các hoạt động xã hội, nơi quy tụ đông người và có những trò chơi theo nhóm. Sau khi hoạt động kết thúc, các em có thể cảm thấy buồn, luyến tiếc vì quá nhập tâm vào chúng. Ngoài ra, các em sẽ đi chơi cùng bạn bè nhiều hơn dành thời gian ở nhà một mình.

Được ở gần người khác giống như năng lượng tích cực đối với trẻ hướng ngoại. Phụ huynh có thể sử dụng đặc điểm này khi muốn thương lượng với con. Ví dụ, bạn có thể nói “Nếu con giúp mẹ làm việc nhà, mẹ sẽ cho con sang nhà bạn chơi” thì chắc chắn trẻ hướng ngoại sẽ đồng ý ngay lập tức.

5. Tự tin

Trẻ hướng ngoại không ngại ngần thể hiện bản thân và tính cách cá nhân. Các em có thể đứng lên chia sẻ ý kiến, quan điểm riêng, thậm chí đấu tranh đến cùng để bảo vệ chúng. Ngoài ra, trẻ hướng ngoại thường cởi mở với mọi người xung quanh, thể hiện cảm xúc tốt và rất hòa đồng.

Nhiều người cho rằng trẻ hướng ngoại hung hăng, dễ nổi nóng hoặc có hành vi bạo lực nhưng đây là quan điểm sai lầm. Dù có tính cách tự tin, sôi nổi, trẻ hướng ngoại không biến năng lượng tích cực thành hành vi bạo lực. Các em sử dụng năng lượng để hòa nhập với môi trường xung quanh và giao tiếp với mọi người.

6. Mọi người thích ở gần trẻ

Trẻ hướng ngoại thường mang lại nguồn năng lượng lạc quan, tích cực và gắn kết mọi người xung quanh. Các em cũng giỏi nghĩ ra các trò chơi hoặc lãnh đạo mọi người làm việc nhóm. Bởi vậy bạn bè thường thích vây quanh trẻ hướng ngoại. Nếu con bạn hướng ngoại, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhà bạn thường là nơi tụ tập những đứa trẻ ồn ào hoặc con bạn có rất nhiều bạn bè chơi cùng.

Ngoài ra, trẻ hướng ngoại được kích thích bởi mọi người xung quanh. Khi ở một mình, các em sẽ cảm thấy nhàm chán, buồn tẻ. Khi ở với bạn bè, các em sẽ nghĩ ra được nhiều ý tưởng sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ.

7. Không hay mất kiểm soát

Vì bản tính sôi nổi, nhiều người cho rằng trẻ hướng ngoại ương bướng, nghịch ngợm và mất kiểm soát. Trên thực tế, trẻ mất kiểm soát không thích được giúp đỡ, không suy nghĩ đến trách nhiệm của vấn đề trong khi ngược lại trẻ hướng ngoại thích được hòa nhập với mọi người và có khả năng chịu trách nhiệm cao.

Đôi khi trẻ hướng ngoại sẽ nói chen lời người khác nhưng phụ huynh có thể dạy con về tính kiên nhẫn. Các em sẽ lắng nghe và thay đổi vì trẻ hướng ngoại luôn muốn tốt hơn và tạo dấu ấn trong mắt mọi người.

8. Thể hiện cảm xúc tốt

Trẻ hướng ngoại không giỏi kìm nén cảm xúc và việc che giấu cảm xúc khiến các em khó chịu. Thay vì vậy, các em có xu hướng bộc lộ từ tức giận, buồn bã đến hạnh phúc. Cách thể hiện phổ biến nhất là chia sẻ bằng lời nói với mọi người xung quanh. Phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết cảm xúc của con thông qua hành vi hoặc lời nói, từ đó tìm cách chia sẻ và giải quyết vấn đề.

Tú Anh (Theo Romper)

Để lại một bình luận

Main Menu