Cách sửa tật nhõng nhẽo của trẻ mà không cần la mắng

Cách xử lý trẻ hay nhõng nhẽo

Sau nhiều lần nổi cáu vì con nhõng nhẽo, chị Debby Waldman, sống tại thành phố Edmonton, Canada đã thử nhiều biện pháp giúp con sửa tật xấu.

Chị Debby Waldman đã chia sẻ kinh nghiệm trên trang Parents.

Khi con gái tôi, Elizabeth, biết nói cả câu, cháu thường xuyên nhõng nhẽo để vòi vĩnh. Những tiếng than vãn, lẩm bẩm của con khiến tôi phát cáu. Nhiều lúc không chịu được sự dai dẳng của con, tôi hét lớn “Con trật tự đi” và làm cháu khóc lớn.

Những lần nhõng nhẽo của trẻ có khả năng khiến phụ huynh hoặc tức giận hoặc nhượng bộ. Một, hai lần như vậy, trẻ nhận ra rằng nếu liên tục mè nheo, ăn vạ, các bé sẽ đòi được cha mẹ điều yêu thích.

Những đứa trẻ nhõng nhẽo không phải là hư. Thay vào đó, than vãn là cách trẻ biểu đạt cảm xúc như mệt mỏi, cáu kỉnh. Tiến sĩ Michele Borba, tác giả sách “Cha mẹ làm nên điều khác biệt (Parents Do Make a Difference) giải thích mặc dù kỹ năng ngôn ngữ của trẻ 3-4 tuổi đang phát triển, các bé vẫn chưa đủ vốn từ để chia sẻ cảm xúc cá nhân. Vì lý do này, việc nhõng nhẽo được coi là cách giao tiếp dễ dàng hơn cả.

Dưới đây là cách sửa tật nhõng nhẽo

Nói “Không” với hành động của trẻ

Phụ huynh nên chọn khoảng thời gian yên tĩnh, khi cảm xúc của trẻ ổn định để thông báo quy tắc mới trong gia đình. Đó là khi trẻ nhõng nhẽo, người lớn sẽ không đáp lại. Từ đó, mỗi khi trẻ than vãn, bạn hãy giữ khuôn mặt bình thường, nói với giọng điệu bình tĩnh rằng: “Bố mẹ không hiểu con đang muốn gì. Bố mẹ sẽ lắng nghe nếu con nói chuyện bình thường”.

Thông thường sau khi nhõng nhẽo bất thành, trẻ có thể nổi cáu, chuyển sang khóc lóc hoặc ăn vạ. Nếu ở nơi đông người, bố mẹ nên dắt con đến chỗ yên tĩnh để lấy lại bình tĩnh, ví dụ trong ôtô. Sau nhiều lần như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng nhõng nhẽo, thậm chí là nổi giận cũng không thể đạt được điều mong muốn.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Học cách yêu cầu lành mạnh

Trẻ có thể không hiểu việc nhõng nhẽo là sai vì nghĩ rằng “nếu làm vậy, bố mẹ sẽ nhường mình”. Khi trẻ than vãn vì không được như ý, phụ huynh có thể ghi âm lại rồi phát cho bé nghe. Hãy giải thích rằng nhõng nhẽo là hành động không được chấp nhận và trẻ nên thử các phương thức khác nếu muốn đòi hỏi.

Sau khi trẻ nhận ra mình đã sai, bạn hãy gợi ý con những hành động đúng đắn. Ví dụ, dạy trẻ sử dụng từ chỉ cảm xúc như mệt, buồn bã, tức giận để diễn tả cảm giác cá nhân.

Tìm hiểu qua “đôi mắt trẻ thơ”

Suy nghĩ của trẻ em và người lớn là khác nhau. Khi nhõng nhẽo, trẻ muốn truyền đạt yêu cầu nào đó nhưng với phụ huynh điều này có thể không quan trọng. Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng trẻ vẫn nhõng nhẽo, có lẽ đã đến lúc bạn nhìn nhận mọi chuyện theo “đôi mắt trẻ thơ” bằng cách đặt mình vào tình huống của trẻ.

Hãy tìm hiểu trẻ đang muốn truyền đạt điều gì với bố mẹ và tại sao không thể đáp ứng yêu cầu của con. Ví dụ, bạn không cho phép con ăn kẹo trước khi ăn cơm, trẻ sẽ rên rỉ đòi kẹo cho bằng được. Thay vì nói không, bạn có thể bảo: “Bố mẹ biết con thích ăn kẹo. Bố mẹ sẽ cho con ăn kẹo khi nào con ăn cơm xong”.

Khi đặt mình vào vị trí của con, bạn có thể hiểu bé muốn gì và bước đầu giúp bé bình tĩnh lại. Chỉ khi nhận ra bố mẹ hiểu mình, các bé mới mở lòng và chấp nhận các giải pháp thay thế.

Khen ngợi

Khi trẻ nhõng nhẽo, cha mẹ thường chê trách nhưng khi các em cải thiện hành vi, ít người khen ngợi con. Thay vì nói: “Con nhõng nhẽo như thế là hư”, bạn hãy thử chuyển hướng khen: “Mẹ rất thích cách con nói giọng bình thường như vậy” nếu bé ngừng làm nũng.

Phương pháp này rất hiệu quả khi tôi áp dụng cho con gái. Bất kể khi nào cháu yêu cầu theo cách lịch sự, tôi cũng lắng nghe và cảm ơn. Ban đầu, tôi cảm thấy khó mở lời để khen ngợi nhưng con gái tôi luôn ghi nhớ điều tôi nói và dần sửa tính nhõng nhẽo.

Quan tâm trẻ

Để những biện pháp trên có hiệu quả, cha mẹ cũng phải dành nhiều sự quan tâm để đáp ứng nhu cầu kết nối cảm xúc của trẻ. Bạn nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày ở bên con cùng chơi các trò yêu thích, đọc truyện, vẽ tranh hoặc trò chuyện. Trong thời gian này, bạn nên ngừng sử dụng điện thoại, không làm việc. Khi bạn quan tâm trẻ một cách tích cực, chủ động, các bé sẽ hợp tác hơn, hạn chế việc vòi vĩnh để thu hút sự chú ý.

Kiên nhẫn

Nhiều phụ huynh chỉ thử các phương pháp trên ngày một ngày hai và than thở rằng nó không hiệu quả. Tuy nhiên khi nhõng nhẽo là thói quen của trẻ, sẽ cần thời gian dài để các bé có thể loại bỏ hoàn toàn tật xấu này. Tôi nhận thấy sự thay đổi ở Elizabeth sau khoảng một tháng liên tục áp dụng các biện pháp. Một số trẻ có thể cần nhiều thời gian để sửa đổi, số khác lại tiến bộ nhanh chóng.

Nếu bạn không kiên nhẫn, trẻ sẽ càng nhõng nhẽo. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của trẻ trong tương lai vì chẳng ai muốn ở bên những người hay than vãn, ỉ ôi khi không được như mong muốn. Hãy ghi nhớ rằng mục tiêu của bạn là giúp các con hoàn thiện nhất có thể và thời gian dành cho việc thay đổi là hoàn toàn xứng đáng.

Tú Anh (Theo Parents)

Để lại một bình luận

Main Menu