Chơi cờ tướng, rubik, học nhạc cụ, đánh răng bằng tay không thuận hoặc tung hứng sẽ giúp trẻ rèn luyện tư duy cân bằng hai bán cầu não.
Hai bán cầu não đảm nhiệm vai trò khác nhau. Nếu tư duy thiên về bán cầu não phải, trẻ có khả năng sáng tạo, thiên hướng nghệ thuật, dễ xúc động. Trong khi trẻ thiên về bán cầu não trái sẽ giỏi phân tích, suy luận, tư duy logic.
Trẻ sẽ làm việc tốt nhất khi có thể tư duy cân bằng bằng hai bán cầu não. Nhiều người gặt hái thành công nhờ đạt được sự đồng nhất, vừa phát huy bán cầu thế mạnh, vừa củng cố khả năng tư duy của bán cầu còn lại.
Dưới đây là 10 hoạt động giúp trẻ rèn luyện tư duy bằng hai bán cầu não.
1. Liên tưởng và thực hành cùng lúc
Phụ huynh hãy cho phép con tham gia, thậm chí là giành quyền chủ động trong những hoạt động yêu cầu sự tưởng tượng và thực hành cùng lúc.
Chẳng hạn, nếu muốn trồng các loại cây trong khu vườn của gia đình, bạn phải hình dung trước sẽ trồng cây gì và ở đâu. Bạn có thể khuyến khích trẻ tham gia đóng góp ý tưởng. Sau đó, cho phép trẻ trồng những loại cây đã trù tính hoặc trang trí vườn.
Liên tưởng về vườn cây lý tưởng là hoạt động của não phải trong khi thực hành các bước trồng cây là nhiệm vụ của não trái. Kết hợp hai hoạt động này sẽ giúp trẻ tư duy cân bằng.
2. Trò chơi
Board games (trò chơi cờ bàn) là hoạt động giải trí phổ biến dành cho thiếu nhi và gia đình nhưng cũng là công cụ hữu ích để rèn luyện tư duy cân bằng.
Lấy ví dụ trò cờ tướng, người chơi phải hình dung bàn cờ trong đầu, suy tính nước đi của bản thân và dự đoán nước đi của đối phương. Từ đó, kích thích sự sáng tạo vốn là vai trò của bán cầu não phải. Song song người chơi phải đưa ra các nước đi tuần tự trong thực tế.
Ngoài cờ bàn, bạn có thể khuyến khích trẻ chơi rubik. Để giải khối rubik, trẻ phải sử dụng cùng lúc tay, mắt và não để tư duy và thực hành.
3. Chơi nhạc cụ
Nhiều phụ huynh cho rằng nhạc cụ thuộc về nghệ thuật nên chỉ giúp phát triển tư duy bán cầu não phải. Tuy nhiên, việc học cách đặt vị trí ngón tay, đọc bản nhạc đòi hỏi nhiều sự tham gia của bán cầu não trái.
4. Tư duy bằng bán cầu không phải thế mạnh
Nếu bạn thấy con có dấu hiệu tư duy não trái nhiều hơn như thích học Toán, lập kế hoạch, hãy khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật hoặc đòi hỏi tính sáng tạo. Ngược lại, nếu trẻ mơ mộng, ghi nhớ tốt bằng hình ảnh, âm thanh, hãy khuyến khích con học các môn tự nhiên, chơi trò câu đố tư duy.
5. Tung hứng
Trò tung hứng đòi hỏi sự phối hợp cả tay và mắt, từ đó buộc hai bán cầu phải hoạt động cùng nhau. Để tăng độ khó, bạn có thể khuyến khích trẻ ném bóng bằng tay không thuận.
6. Bài kiểm tra màu sắc
Trong tâm lý học, có một bài kiểm tra phân tích khả năng cân bằng hai bán cầu não, gọi là “stroop”, đặt theo tên nhà tâm lý học người Mỹ Ridley Stroop. Yêu cầu của bài kiểm tra là viết tên các màu sắc bằng bút khác màu.
Ví dụ, viết chữ “Đỏ” bằng bút mực xanh nước biển, chữ “Vàng” bằng bút mực tím. Trẻ phải liên tục gọi tên màu sắc biểu trưng của chữ, thay vì đọc màu chữ.
7. Sử dụng tay nghịch
Để sử dụng tay nghịch, còn gọi là tay không thuận, não bộ của trẻ phải tạo ra những kết nối đồng đều. Điều này cũng sửa đổi thói quen tư duy thiên về một bán cầu não.
8. Giải toán bằng nhiều cách
Giải toán bằng một cách mới chỉ kích thích tư duy thiên về bán cầu não trái nhưng nếu giải bằng nhiều cách trẻ buộc phải đưa ra nhiều ý tưởng, từ đó hình thành khả năng sáng tạo. Hoạt động này cũng giúp kết nối hai bán cầu não.
9. Sơ đồ tư duy
Phụ huynh hãy khuyến khích con sử dụng sơ đồ tư duy nhiều nhất có thể. Khi làm sơ đồ, trẻ dùng não phải tưởng tượng, tô vẽ để tạo nên những mô hình ấn tượng, nhiều màu sắc, kích thích khả năng ghi nhớ.
Đồng thời, trẻ sử dụng não trái để phân loại khối lượng nội dung hỗn độn theo các ý chính có tính logic.
Tú Anh (Theo Little Man)