Nếu trẻ đang giận dữ và quá tải trong việc xử lý cảm xúc, việc cha mẹ ngăn cơn giận như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Được thể hiện hiện cảm xúc là quyền của mỗi người, bạn không nên tước đi quyền của trẻ, thay vào đó hãy dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc tiêu cực đó. Điều này giúp bố mẹ xây dựng mối quan hệ thân thiết, thấu hiểu với trẻ từ sự tin tưởng và tôn trọng nhau.
Trang Motherly giới thiệu một số cách cách giải quyết cơn giận theo hướng tích cực, vừa không khuyến khích hành vi và vẫn khiến trẻ biết mình sai.
Hiểu rằng giận dữ là bình thường
Trước tiên bạn cần hiểu giận dữ là hành vi hoàn toàn bình thường, phù hợp với trẻ nhỏ. Đây là chìa khóa giúp bạn giữ bình tĩnh.
Trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi thường tức giận với đủ nguyên nhân bởi đang lúng túng xử lý cảm xúc với những kỹ năng chưa hoàn thiện. Trẻ có thể đói hoặc mệt bất chợt, không tuân theo nguyên tắc nào.
Đôi khi, điều bực bội nhất là trẻ giận dữ không có lý do. Tuy nhiên, điều đó hết sức bình thường đối với hành vi của trẻ và bạn cần hiểu, chấp nhận điều đó và giữ bình tĩnh.
Không yêu cầu trẻ ngừng giận dữ
Hầu hết cơn giận dữ không thể dừng lại khi chúng đang xảy ra. Bạn cũng không nên làm điều này ngay cả khi có thể.
Bạn không cần nói với trẻ rằng cơn giận của chúng là không chấp nhận được, chỉ cần không nhượng bộ những gì trẻ đòi hỏi trong lúc giận dữ, trẻ sẽ ngừng hành vi này khi lớn và hiểu chuyện hơn.
Cố gắng không dừng cơn giận cũng ngầm gửi thông điệp đến trẻ rằng bạn không thoải mái với những cảm xúc tiêu cực này đến mức không để ý để giải quyết nó.
Ảnh: Shutterstock |
Không phạt trẻ
Việc trừng phạt một đứa trẻ vì nổi cơn thịnh nộ là không công bằng bởi hành vi này đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Thời điểm đó, trẻ không để tâm đến những gì bạn nói và không suy nghĩ hợp lý được. Nếu bạn cho rằng lý do giận dữ là vô lý và không muốn trẻ tái phạm, bạn có thể nói chuyện với trẻ sau khi cả hai đã bình tĩnh.
Cho trẻ sự thoải mái
Một số cách giúp trẻ đang trong cơn giận dữ trở nên bình tĩnh, thoải mái với sự xuất hiện của bạn:
- Ngồi trên sàn cùng trẻ.
- Nói ít hơn vì trẻ sẽ không nghe được gì từ bạn lúc đó. Nếu được, bạn có thể lắng nghe trẻ nói về lý do giận dữ.
- Bạn có thể ôm và cho trẻ sự thoải mái. Điều này không có nghĩa là đưa cho trẻ một con gấu bông và lờ trẻ đi.
Bạn có thể cảm thấy kỳ lạ, nhưng đây là những gì trẻ cần và có tác động tích cực rất lớn.
Việc bạn bình tĩnh ở cạnh khi trẻ tức giận sẽ gửi một thông điệp rằng dù đang có những cảm xúc tiêu cực, trẻ vẫn an toàn khi có bạn. Điều này giúp trẻ hiểu bạn có thể xử lý mọi thứ, đồng cảm với những gì trẻ đang cảm thấy, kể cả khi những cảm xúc đó tiêu cực.
Có mặt khi cơn giận đã qua
Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với trẻ khi cơn giận dần qua với dấu hiệu gồm: trẻ có thể giao tiếp bằng mắt với bạn, trở nên im lặng hơn và không còn gào khóc to như trước.
Đây là thời điểm để kết nối lại với trẻ, cho trẻ thấy bố mẹ vẫn dành tình yêu khi trẻ hành động như này. Bạn có thể đưa tay ra và sẵn sàng ôm trẻ.
Thanh Hằng (Theo Motherly)