Sự lỗi thời có tính toán – Planned Obsolescence
DENLEDNHAT.COM – Bạn có biết tại Mỹ có một chiếc bóng đèn sợi đốt tên là Centennial Light được sản xuất vào cuối những năm 1890 và cho đến nay vẫn tiếp tục sáng?
Nội dung
- Planned obsolescence là gì?
- Những dạng thức thường thấy của planned obsolescence
- Giới hạn độ bền
- Giới hạn việc sửa chữa
- Lỗi thời về phong cách
- Lỗi thời theo hệ thống
- Lỗi thời được lập trình
- Planned obsolescence trong phát triển kinh doanh
- Tương lai của planned obsolescence
Bạn có biết tại Mỹ có một chiếc bóng đèn sợi đốt tên là Centennial Light được sản xuất vào cuối những năm 1890 và cho đến nay vẫn tiếp tục sáng? Bạn có thấy nghịch lý là những chiếc điện thoại Nokia 3310 huyền thoại sau chục năm vẫn hoạt động tốt trong khi chiếc smartphone đời mới giá chục triệu của bạn thì sau 2 – 3 năm đã hư lên hư xuống?
Bạn có chắc chiếc xe mới cáu bạn vừa mua sẽ sống lâu hơn chiếc Honda cub 50 phân khối của ông bạn đang dùng hay không? Chúng ta mỗi khi mua bất cứ thứ gì đều muốn nó có thể bền, tốt và sử dụng được càng lâu thì càng tốt. Vấn đề là nếu thứ bạn mua càng bền và tốt thì khả năng bạn mua món mới để thay thế sẽ càng giảm đi và điều đó là không tốt cho lợi nhuận của nhà sản xuất. Đầu năm chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ một chút về planned obsolescence (sự lỗi thời có tính toán).
1) Planned obsolescence là gì?
Planned obsolescence (hay built-in obsolescence) là một chiến lược được các nhà sản xuất áp dụng bằng cách tạo ra những thiết kế hoặc tích hợp thêm những yếu tố nhằm điều khiển thời lượng sử dụng, độ bền, thời gian tồn tại của một sản phẩm với mục tiêu là khiến cho sản phẩm thành không thể tiếp tục sử dụng được, hết hạn hoặc hết thời. Mục đích của việc thực hiện chiến lược này là nhằm tạo ra thêm nhu cầu cho sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho nhà sản xuất.
Planned obsolescence liên quan nhiều đến khái niệm CLTV (Customer Life-time Value) – giá trị vòng đời của khách hàng. Life-time value (LTV) tức là khả năng một khách hàng sẽ chi bao nhiêu tiền để mua sản phẩm trong suốt mối quan hệ của người đó với nhà sản xuất. Ví dụ nếu 1 cái điện thoại giá 800 USD có vòng đời khoảng 4 năm thì có khả năng khách hàng đó sẽ tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại trong 4 năm tiếp theo và chỉ mua mới khi chiếc điện thoại cũ bị hư.
Lúc này thì LTV của khách hàng đó trong thời gian 4 năm là 800 USD. Tuy nhiên nếu nhà sản xuất có thể khiến người dùng thay đổi điện thoại sớm hơn thời điểm đó, ví dụ 2 năm thay vì là 4 năm, thì lúc này LTV đã tăng lên gấp đôi cho thời gian đó. Do đó ta có thể thấy planned obsolescence đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp các nhà sản xuất đảm bảo được thu nhập.
2) Những dạng thức thường thấy của planned obsolescence
Planned obsolescence có nhiều dạng thức khác nhau, dưới đây là một số kiểu thường thấy và được sử dụng bởi các nhà sản xuất:
a) Giới hạn độ bền
Sản phẩm sẽ được xác định bởi nhà sản xuất là thời gian tồn tại trung bình sẽ được bao lâu và điều này sẽ được đưa vào quy trình sản xuất. Đương nhiên không có sản phẩm nào tồn tại mãi mãi và tới một thời điểm nào đó mọi thứ đều sẽ phải hư hỏng. Và không phải tất cả mọi thứ liên quan đến độ bền của sản phẩm đều phục vụ cho planned obsolescence, đôi khi là nhằm phục vụ cho việc giảm chi phí, cho thiết kế, v.v… Tuy nhiên một số trường hợp thì độ bền của sản phẩm sẽ được giảm đi để phục vụ cho mục đích gia tăng thu nhập cho nhà sản xuất chứ không phải phục vụ cho lợi ích người dùng.
Một ví dụ điển hình là đồ chơi trẻ em, những bộ phận nhỏ bên trong như bánh răng hoặc khớp nối thường được thiết kế để rất dễ gẫy và hư hỏng nếu bị tác động quá mạnh. Mà bạn biết trẻ em thì sao rồi. Và khi sản phẩm bị hư hỏng thì khả năng là các bậc cha mẹ sẽ phải mua lại một sản phẩm mới cho đứa con mình.
Một ví dụ khác là khi bóng đèn sợi đốt được thương mại hóa bởi Thomas Edison năm 1881, nó có thể cháy sáng liên tục được 1,500 tiếng. Tới năm 1924, các cải tiến về chất liệu sợi đốt đã giúp bóng đèn sáng được tới 2,500 tiếng. Tuy nhiên sau đó thì các nhà sản xuất đã đồng loạt giảm thiểu chất lượng của các sợi đốt và dần dần đến năm 1940, các bóng đèn chỉ còn được đảm bảo sáng được 1,000 tiếng.
b) Giới hạn việc sửa chữa
Một số sản phẩm lại được thiết kế để việc sửa chữa chúng rất là khó khăn và chi phí để làm điều này có khi còn tốn kém và mắc tiền hơn việc mua một sản phẩm mới. Điều này sẽ khiến khách hàng nghĩ tới việc mua một sản phẩm mới thay thế hơn là cố sửa chữa, giúp giảm chi phí support và tăng chỉ số CLTV lên.
Ví dụ cho loại này là những chiếc điện thoại đời mới ngày càng được thiết kế với cấu trúc khép kín, pin và các bộ phận không dễ dàng thay thế được. Sau một thời gian sử dụng thời lượng pin cũng như chất lượng sử dụng của điện thoại bị giảm thiểu và việc không có khả năng sửa chữa lúc này sẽ khiến người dùng nghĩ đến việc mua một chiếc điện thoại mới hơn.
c) Lỗi thời về phong cách
Đây là một phương thức của planned obsolescence bằng cách áp dụng các thay đổi về kiểu dáng và thiết kế nhằm khiến người dùng cảm thấy muốn mua sản phẩm mới nhiều hơn vì họ cảm thấy sản phẩm hiện đang xài đã lỗi thời về phương diện thời trang và sẽ giảm thiểu về mặt giá trị.
Phương pháp này thấy rõ nhất có lẽ là ở mảng thời trang khi mà mỗi mùa, mỗi năm lại có những trend và style mới để lôi kéo người dùng đi theo… well, cho tới khi nó quay một vòng trở về cái cũ.
d) Lỗi thời theo hệ thống
Lỗi thời theo hệ thống là phương pháp thường được sử dụng khi nhà sản xuất điều chỉnh một phương diện gì đó khiến cho sản phẩm không thể tiếp tục sử dụng được nữa hoặc sử dụng khó khăn hơn.
Chúng ta thường sẽ thấy điều này được sử dụng trong phần mềm và phần cứng máy tính. Ví dụ như các phần mềm và game thì sẽ ngày càng đòi hỏi cấu hình máy tính phải mạnh hơn, cao hơn thì mới có thể chơi và sử dụng một cách mượt mà được.
e) Lỗi thời được lập trình
Đây là phương pháp mà trong đó các sản phẩm có thêm tính năng vốn được lập trình một cách cố ý để ngừng hoạt động với mục đích khiến người dùng phải mua một sản phẩm mới.
Một ví dụ là những chiếc máy in được gắn các con chip để tự động làm thiết bị ngừng hoạt động sau một thời gian sử dụng hoặc sau bao nhiêu trang được in dù tất cả các bộ phận khác của thiết bị không hề bị hư hỏng. Chi phí để sửa chữa các máy in này đôi khi còn mắc tiền hơn chi phí để mua một cái máy mới.
Bên trên là một số phương thức thường thấy của planned obsolescence và ví dụ về việc các nhà sản xuất hàng hóa sử dụng chiến lược này như thế nào để nhằm kích thích việc mua hàng của người dùng và nhờ đó bán được nhiều hàng hóa, thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về planned obsolescence qua bộ phim tài liệu The Lightbulb Conspiracy:
Planned obsolescence trong phát triển kinh doanh
Planned obsolescence về bản chất nó không phải là một thứ gì đó xấu xa và thực tế nó là một phần của quy trình kinh doanh hiện đại hướng tới đối tượng người tiêu dùng. Consumerism (chủ nghĩa tiêu dùng) có 3 giai đoạn:
1. Advertisement (quảng cáo)
2. Planned Obsolescence (lỗi thời có tính toán)
3. Credit (tín dụng)
Advertisement và credit là 2 thứ thường được nhắc đến nhiều và phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau bởi truyền thông. Tuy nhiên planned obsolescence thì ít được đề cập hơn do nó là một vấn đề tương đối mờ ảo và không thấy rõ ràng được. Một phần do nó được che giấu rất kỹ bên dưới những nội dung và quy định như terms and conditions, product agreements, v.v… mà người dùng ít khi để ý tới.
Như đã nói ở trên planned obsolescence không hẳn là xấu, trừ khi nó bị lạm dụng để phục vụ mục đích riêng của nhà sản xuất mà trong khi đó lại không để tâm tới lợi ích của người dùng. Planned obsolescence đặc biệt phát triển mạnh ở những thị trường mà trong đó bị độc quyền bởi một số công ty lớn. Các công ty lớn này có thể liên minh với nhau để đạt được những thỏa thuận về thời hạn sử dụng và độ bền của sản phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận và giữ vững thị trường. Và điều này đặc biệt nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Tương lai của planned obsolescence
Planned obsolescence là thứ sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong việc kinh doanh. Nhưng dù chiến lược này tạo ra lợi nhuận cho nhà sản xuất, kích thích nhau cầu tiêu dùng, tạo sự phát triển và việc làm, nó có tiềm năng gây ra tác hại lớn về mặt xã hội. Thay vì hướng tới việc sửa chữa và nâng cấp thiết bị thì planned obsolescence lại khuyến khích việc mua sản phẩm mới, góp phần tạo ra nhiều sự lãng phí hơn, tiêu tốn nhiều tài nguyên tự nhiên (để sản xuất) hơn, gây tác động trực tiếp đến môi trường và làm gia tăng chi phí tiêu dùng. Cái lợi của planned obsolescence là ngắn hạn nhưng cái tác hại thì lại là dài hạn.
Với việc cả thế giới đang hướng theo định hướng tiết kiệm chung, sự gia tăng về nhận thức của con người tới các vấn đề liên quan đến môi trường thì một số định hướng của planned obsolescence có thể sắp tới sẽ bị thay đổi. Ví dụ như sharing economy với các start-up như Uber khuyến khích việc sử dụng các nguồn xe có sẵn để hỗ trợ việc di chuyển thay vì phải mua xe mới. Hoặc các dự án modular phone như Project ARA lại hướng tới việc nâng cấp và thay thế các thiết bị cần thiết để giảm thiểu sự lãng phí khi phải mua cả một cái điện thoại mới. Những định hướng như vậy có thể là lời đáp cho một số vấn đề của planned obsolescence. Các chính phủ cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề này và một số nước Châu Âu đã bắt đầu có quy định sát sao hơn về việc ứng dụng planned obsolescence vào quy trình sản xuất các sản phẩm.
Bạn nghĩ sao về planned obsolescence? Hãy chia sẽ suy nghĩ của bạn bên dưới.