Bí mật đằng sau những hành động của trẻ

Trẻ bướng bỉnh

Nhà tâm lý học Evgeniya Zaburdaeva đã viết cuốn sách “từ vựng của trẻ em”, để người lớn có thể tham khảo và hiểu hơn nguyên nhân dẫn đến những hành vi của con mình.

Trẻ hung hăng, đánh người.

Nếu đứa trẻ nóng nảy, hung hăng, hay đánh người, dường như trẻ đang cố gắng truyền đạt thông điệp: “Con sợ, con cần có luật lệ và sự hỗ trợ”. Trong trường hợp chúng cào cấu, đánh trả lại bố mẹ, tức là bé đang muốn nói: “Con không biết làm thế nào để bày tỏ sự tức giận của mình. Đó là cách con thông báo với mẹ rằng con cần có kỷ luật từ cha mẹ”.

Trong một số trường hợp, trẻ thậm chí tự làm đau bản thân thay vì đánh người khác. Điều này có ý nghĩa: “Con không chịu đựng được những cảm xúc tiêu cực và việc tự làm đau chính mình khiến con thấy dễ chịu hơn”.

Trẻ trộm cắp

Nhiều trẻ lấy trộm đồ của cha mẹ, họ hàng, bạn bè, nhưng hoàn toàn không vì thiếu thốn. Thông điệp của đứa trẻ là: “Con cần cha mẹ quan tâm”. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ thiếu sự chú ý từ người thân trong gia đình, dẫn đến tâm lý ganh tị, cảm thấy thua thiệt với người khác.

Trẻ nói tục, chửi bậy

Ngoài vấn đề về giáo dục thì đôi khi đứa trẻ buột mồm chửi bậy chỉ đơn giản vì chúng muốn “thử” xem điều gì là được phép, không được phép trong gia đình mình. Trong tình huống như thế, chớ nên nóng nảy phạt con. Hãy đơn giản chỉ là nói cho chúng biết đâu là từ nên nói, và không nên nói.

Trẻ không chịu ăn đồ ăn bố mẹ nấu

Việc này đôi khi liên quan đến đứa trẻ không sẵn sàng cho những thay đổi, dù đó chỉ đơn giản là việc ăn một món ăn mới nào đó. Việc của bạn lúc này là động viên, khuyến khích và nêu ra những lợi ích của món ăn để trẻ thử, thay vì trách móc.

Ngược lại với trường hợp này, nhiều đứa trẻ ăn không kiểm soát, điều đó là vì sao? Đôi khi đó không hẳn là vì trẻ đói, trẻ mê món ăn ấy, mà chúng truyền đạt thông điệp: “Thức ăn làm con bớt lo lắng và xoa dịu cảm giác thiếu gần gũi, thứ mà con đang rất cần”.

Trẻ chẳng chịu chơi với bạn bè

Nếu trẻ chỉ chơi điện tử, lười giao tiếp với bạn, có nghĩa là chúng sợ hãi tương tác với các trẻ khác mà chỉ tìm thấy sự thoải mái và thể hiện được khả năng của bản thân trong các trò chơi.

Việc trẻ không chịu kết bạn đồng nghĩa với thông điệp: “Con không làm thế nào để giao tiếp với các bạn, con không biết làm thế nào để tìm được ngôn ngữ chung với bạn bè”. Chúng cũng sợ bị người lớn mắng “không biết cư xử, không biết nhường nhịn bạn”.

Trong trường hợp trẻ tham lam giữ mọi đồ chơi cho mình, tức là bé nghĩ rằng đồ đó thuộc về mình và không muốn chia sẻ. Đồ chơi mang lại cho trẻ cảm giác ấm áp, sự hỗ trợ về mặt tình cảm. Nếu bé giữ khư khư những đồ đó cho mình thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đang thiếu quan tâm (về mặt cảm xúc) với trẻ.

Trẻ khư khư giữ một món đồ chơi nào đó

Nhiều em bé lầm lì, ít nói, luôn giữ trên tay một món đồ chơi nào đó, ví dụ gấu bông chẳng hạn. Điều này cho thấy bé gắn kết với món đồ chơi trên mức bình thường. Trẻ cho thấy sự âu lo, mất tự tin, cần một chỗ dựa thay thế bố, mẹ, bà.

Đôi khi, cả những món đồ thân thiết này cũng khiến trẻ không thực sự an tâm. Điều này có thể dẫn đến việc bé gặp ác mộng. Những hình ảnh trong giấc mơ của trẻ chính là những gì bé đang sợ trong cuộc sống.

Thùy Linh (Theo Brightside)

Để lại một bình luận

Main Menu