Theo phương pháp giáo dục Freinet, phụ huynh nên khuyến khích con dành thời gian ngoài trời, làm bạn với thiên nhiên, làm việc nhà.
Célestin Freinet (1896-1966) là nhà cải cách giáo dục nổi tiếng người Pháp. Ông mở trường học riêng vào năm 24 tuổi nhằm giúp đỡ trẻ chậm phát triển, đưa ra nhiều kiến nghị đổi mới nền giáo dục Pháp. Trường học của ông không cần sách vở, bài tập về nhà nhưng vẫn tạo được tiếng vang, xây dựng thành phương pháp giáo dục riêng, gọi là Freinet.
Hiện nay, tại Pháp vẫn còn một số trường Freinet và hàng nghìn lớp học Freinet trong các trường học truyền thống.
Ý tưởng chính của phương pháp Freinet là hình phạt làm xấu mặt người phạt lẫn người bị phạt; trẻ học cách làm việc nhà càng sớm càng tự tin trong tương lai; thay vì cấm đoán, phụ huynh nên thương lượng với trẻ. Triết lý giáo dục của Freinet có thể được áp dụng tại nhà.
1. Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt
Tin rằng mỗi đứa trẻ đều đặc biệt, Freinet thúc đẩy việc học nhóm, nơi những đứa trẻ sẽ dạy nhau thay vì nghe giáo viên giảng bài. Học sinh giỏi có thể giúp đỡ các bạn học kém. Các em không được đánh giá bằng điểm số.
Tại nhà, phụ huynh nên tập trung phát huy thế mạnh của con thay vì yêu cầu chúng học những thứ bạn muốn. Đừng quên khích lệ con bằng những lời động viên tích cực về khả năng, công sức, hiệu suất làm việc của chúng. Vì không có hai đứa trẻ giống nhau, phụ huynh cũng không nên so sánh con với bạn bè.
2. Sự liên kết với xã hội
Freinet cho rằng trẻ sẽ học được nhiều nhất thông qua thực hành và trải nghiệm. Tại trường học Freinet, các em được giao vai trò khác nhau như người gác cổng, người đưa thư để học về mối liên kết giữa nhà trường và xã hội.
Trong học tập, trẻ được khuyến khích làm sản phẩm hoặc đề xuất nhiệm vụ riêng. Chẳng hạn, ở môn tiếng Pháp, các em có thể kể chuyện liên quan đến bản thân bằng các từ ngữ của riêng chúng, không phụ thuộc vào từ ngữ, câu văn cô giáo dạy.
Để giúp trẻ xây dựng liên kết với mọi thứ xung quanh, hãy bắt đầu từ thiên nhiên. Phụ huynh nên khuyến khích con dành nhiều thời gian ngoài trời, quan sát sự vận động hoặc các sinh vật ngoài tự nhiên.
Freinet khẳng định trẻ làm việc nhà càng sớm sẽ càng tự tin và tự lập trong tương lai. Sự tự tin này giúp các em xây dựng bản thân và hòa mình vào xã hội nhanh hơn những bạn được nuông chiều, ít phải làm việc nhà. Vì vậy, thay vì làm hết mọi việc, phụ huynh hãy giao công việc nhà phù hợp với lứa tuổi của con.
3. Học tập và sáng tạo đi đôi với nhau
Một trong những nguyên tắc của Freinet là trẻ em phải được nghiên cứu và thực hành. Chẳng hạn, trước mỗi bài học, trẻ phải tự tìm hiểu thông qua sách vở và kết quả thu về sẽ được chia sẻ công khai trên lớp. Hoạt động này kích thích sự sáng tạo trong việc thu thập kiến thức, không chỉ trông chờ vào thông tin từ giáo viên.
Tuy nhiên, do tự tìm kiếm, trẻ cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng thất bại là quan trọng trong việc học nên tại trường Freinet, học sinh không bị chế giễu vì sai lầm mà được dạy cách rút kinh nghiệm từ đó.
Trong việc nuôi dạy con tại nhà, phụ huynh hãy khuyến khích con thử nghiệm nhiều hoạt động hoặc tham gia các công việc có tính sáng tạo. Đừng lo lắng nếu bạn thấy con chán nản, ủ rũ vì sự chán nản có thể kích thích khả năng sáng tạo, tự điều chỉnh cảm xúc và sức khỏe tinh thần.
4. Ý kiến cá nhân
Lớp học Freinet có một vài quy tắc cơ bản, ví dụ hành vi bạo lực bị cấm nhưng hầu hết quy tắc do cả lớp tự xây dựng. Học sinh được phép tham gia quá trình xây dựng bộ quy tắc lớp học, được phát biểu và đóng góp ý kiến cá nhân.
Mỗi lớp Freinet tổ chức họp lớp một tuần một lần, là thời gian học sinh chia sẻ những bất đồng trong lớp học, những vướng mắc cá nhân và cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Các vấn đề được thảo luận do trẻ chuẩn bị trước bằng cách viết thư, đặt trong hộp thư của lớp. Hoạt động này giúp trẻ xây dựng tính độc lập, kỹ năng đưa ra ý kiến, giải quyết vấn đề và cảm thấy được tôn trọng.
Trong gia đình, phụ huynh hãy khuyến khích con tham gia quá trình ra quyết định, đặc biệt trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến chúng. Nếu con phạm lỗi, thay vì cấm đoán và trừng phạt, phụ huynh nên trò chuyện với trẻ để tìm ra khúc mắc. Trẻ sẽ nhận ra ý kiến của bản thân quan trọng đến nhường nào.
Tú Anh (Theo Parent)