Không phải bậc cha mẹ nào cũng khéo léo xử lý để các con có thể chung sống hòa thuận được với nhau, nhất là với những trẻ sàn sàn tuổi nhau và thường xuyên diễn ra cảnh tranh chấp đồ chơi, không nhường nhịn…
Để các con dành nhiều thời gian cho nhau
Nghe có vẻ khó tin nhưng khi các con cãi vã, thậm chí đánh nhau, các bậc cha mẹ không nên vội vã tách biệt, cô lập từng đứa trẻ. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch để các con cùng nhau chơi đùa, khám phá thế giới xung quanh. Chỉ có dành thời gian cho nhau, mối quan hệ giữa anh chị em mới dần được cải thiện.
Dạy con biết nói lời cảm ơn
Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cha mẹ lúc nào cũng cần phải nhắc nhở con cái cảm ơn anh/chị/em của mình. Ngay cả khi gây sự, cãi lộn, các con cũng phải ghi nhận những gì đối phương đã làm cho mình và luôn biết cách nói hai tiếng “cảm ơn”.
Biết cách nói lời xin lỗi
Mỗi cuộc cãi vã thường xuất phát từ một xích mích nhỏ và đôi khi, có kẻ đúng, người sai. Nếu con không thể kiểm soát được việc mình đã làm thì ít nhất, con vẫn có thể kiểm soát được cách thức phản ứng lại. Khi đó, cha mẹ hãy dạy con cách nói lời xin lỗi, thừa nhận sai lầm. Có như vậy, mâu thuẫn mới được gỡ bỏ.
Lên kế hoạch cho lần sau
Ngay tới người lớn cũng khó có thể giữ bình tĩnh trong những phút nóng giận, vì vậy, hãy thông cảm khi trẻ nhỏ bùng nổ sự giận dữ của chúng. Tuy nhiên, khi đã bình tâm lại, cha mẹ cần ngồi xuống với con cái để thảo luận về những gì đã xảy ra cũng như cách thức phản ứng và giải quyết trong những lần tới. Khi đã biết đương đầu với cơn nóng giận, các con sẽ dễ dàng vượt qua chúng.
Chấp nhận xung đột
Nghe có vẻ khá nghịch lý nhưng cãi vã hoá ra lại là một trong những điều thú vị nhất của việc có anh/chị/em. Chính nhờ những lần tranh cãi, hờn dỗi mà con trẻ học được cách đối mặt, giải quyết mâu thuẫn và điều này cũng sẽ đem lại khá nhiều ích lợi khi con trưởng thành.
Trà Xanh
Theo Mom