Dạy con nói cảm ơn đúng cách

Nhận ra sai lầm khi ép con nói lời cảm ơn mà không thực sự hiểu về lòng biết ơn, Larissa Kosmos, sống tại Ohio, Mỹ, đã thay đổi chiến lược nuôi dạy con.

Là cây bút tự do, đã viết cho nhiều tờ báo như Washington Post, New York Times, Larissa Kosmos chia sẻ cách dạy con về lòng biết ơn.

Hãy tưởng tượng tôi và bạn đang trò chuyện trong phòng khách nhà bạn và những đứa con của chúng ta cùng nhau vui đùa. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, tôi và con tôi chào tạm biệt gia đình bạn để trở về nhà. Bạn sẽ gật đầu mỉm cười khi tôi nói lời cảm ơn và bạn chờ đợi con tôi cũng sẽ nói điều tương tự.

Trong trường hợp này, một số phụ huynh thấy bối rối vì con không chủ động nói lời cảm ơn và quay sang nói với con: “Con quên phải nói gì à?”. Như một cái máy được kích hoạt, những đứa trẻ sẽ hướng về phía chủ nhà và nói lời cảm ơn.

Dường như tất cả phụ huynh đều từng yêu cầu con nói lời cảm ơn người khác vì chúng cứ lặng im, không biểu hiện thái độ cảm kích. Trong thời gian dài, tôi cũng giống như vậy. Dần dần, câu nói này khiến tôi băn khoăn.

Tôi cảm thấy những đứa trẻ, không chỉ riêng con tôi, chưa thật sự biết ơn người đối diện khi nói lời cảm ơn họ. Việc thể hiện sự tôn trọng, biết ơn như vậy là sai lầm.

Sau khi cân nhắc, tôi nhận ra mình đang biến con nói lời cảm ơn thành thói quen sinh hoạt tương tự đánh răng hay rửa bát. Khi gặp tình huống nhất định, đứa trẻ phải bật ra lời cảm ơn mà tôi không chắc chắn bao nhiêu trong số chúng thực sự hiểu rõ lý do phải nói vậy.

Lời cảm ơn có sức nặng hơn chúng ta tưởng. Trước khi những đứa trẻ nói cảm ơn, chúng phải biết lý do nói như vậy và thấu hiểu lòng tốt của người đối diện. Lời cảm ơn sẽ trống rỗng, vô giá trị nếu được nói ra một cách hời hợt hoặc ép buộc mà không chứa đựng tâm ý của người nói.

Tôi và nhiều phụ huynh khác đã áp dụng sai phương pháp giáo dục con cái. Chúng tôi yêu cầu con nói lời cảm ơn nhưng không dạy con về lòng biết ơn. Nó giống như rắc vài giọt nước lên lá cây thay vì chăm bón từ gốc rễ để cây tươi tốt.

Nhận ra sai lầm, tôi đã thay đổi chiến lược nuôi dạy. Thay vì nhắc “Con nói cảm ơn đi”, tôi giải thích cho con hiểu hành động của người đối diện có ý nghĩa và đáng trân trọng như thế nào. Chẳng hạn, khi chồng tôi sửa đồ chơi cho các con, tôi bảo chúng:

“Thay vì nghỉ ngơi, bố đã dành thời gian và công sức để sửa đồ chơi cho các con đấy”. Hoặc khi đến thư viện, tôi nhắc con: “Cô thủ thư đã tạm gác công việc của mình để tìm sách cho các con”. Tôi không yêu cầu con nói lời cảm ơn mà kích hoạt một điều sâu sắc, ý nghĩa hơn là nhận thức.

Ảnh: iStock.

Ảnh: iStock.

Sau khi giải thích, tôi đợi con ngẫm nghĩ những điều tôi vừa nói và hỏi: “Con cảm thấy thế nào?”. Mục đích của tôi là giúp con chuyển từ nhận thức sang biết ơn hành động của mọi người.

Khi các con tôi còn nhỏ, chúng thường trả lời: “Vâng, thật tốt ạ”. Một kiểu trả lời lấy lệ. Nhưng tôi không bỏ cuộc mà tiếp tục thúc đẩy nhận thức và khả năng đánh giá vấn đề của con.

Nếu các con đến gặp bác sĩ nha khoa, tôi nói rằng chúng thật may mắn vì được khám bệnh. Nếu bố mẹ tôi làm bánh cho cháu, tôi nói với con rằng không phải mọi đứa trẻ đều được thưởng thức tay nghề nấu ăn của ông bà.

Đối với người lớn, những lời giải thích của tôi là thừa thãi nhưng với những đứa trẻ thì khác. Các em coi lòng tốt hoặc hành động nhân văn của mọi người dành cho mình là điều hiển nhiên vì chưa học được cách đặt mình vào tình huống của người đối diện.

Đặc biệt với những đứa trẻ sống trong điều kiện đủ đầy, chúng có thể vô tình cho rằng việc tốt của mọi người xung quanh là điều hiển nhiên.

Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng chỉ ra rằng các con tôi đang được đối xử đặc biệt. Đó là lý do chúng cảm thấy “tốt” và nên học cách trân trọng, biết ơn những điều này. Đó là lý do tại sao chúng nên nói lời cảm ơn. Sau đó, tôi khuyến khích con không dừng lại ở lời nói mà có hành động chia sẻ hoặc đáp lại lòng tốt với mọi người.

Các con tôi đã lớn lên cùng nhận thức về lòng biết ơn, dù nhiều lúc tôi vẫn cần nhắc nhở con cách cư xử với mọi người xung quanh. Khi con đã hiểu hơn, tôi thay đổi chiến thuật giải thích để đánh thức nhận thức và lòng biết ơn cùng lúc.

Tôi thường nói rằng: “Thật tuyệt vời khi được ông bà mời đến nhà ăn tối phải không con?” hay “Con có thấy vui không khi mẹ đưa con đi mua sắm?”. Những câu hỏi này rất có hiệu quả. Những đứa trẻ không chỉ nhận ra tấm lòng của mọi người mà đã biết nói lời cảm ơn hàm chứa sự cảm kích.

Tôi không thể kiểm soát toàn bộ nhận thức của con nhưng hy vọng chúng sẽ trở thành những người biết trân trọng lòng tốt và sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Dù một người chỉ giữ hộ chúng tay nắm cửa cũng cần được tôn trọng và nghe lời cảm ơn chân thành.

Tú Anh (Theo Washington Post)

Trả lời

Main Menu