Làm cha mẹ, một trong những điều có tính ảnh hưởng lớn nhất mà bạn có thể làm được chính là thừa nhận những thành tựu và thói quen lành mạnh của con mình. Đó là khi bạn nỗ lực khuyến khích những hành vi tốt, sự tự tin cũng như lòng tự trọng của con bạn.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết là không ai sinh ra đã hoàn hảo, sẽ có lúc con bạn mắc lỗi và đưa ra các lựa chọn tồi tệ. Trong những tình huống như thế này, cách bạn phản ứng cũng như đưa ra cách xử lý thích hợp sẽ quyết định phần lớn đến việc con bạn có thể có những lựa chọn tốt hơn cũng như có được những thói quen lành mạnh trong tương lai hay không.
Bài viết của 1 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan, giúp bạn có những lựa chọn đúng đắn hơn trong cách ứng xử khi con bạn mắc lỗi mà bạn có thể tham khảo.
1. Tập trung vào hành vi của đứa trẻ
Việc khen ngợi những hành vi cụ thể của đứa trẻ sẽ tốt hơn là khen ngợi nó một cách chung chung. Có sự khác nhau khá lớn giữa 2 câu nói: “Con đúng là một đứa trẻ ngoan” và “Con đã làm một việc rất tốt khi cất đồ chơi về đúng vị trí”.
Tương tự như vậy, khi đứa trẻ mắc lỗi, bạn cũng chỉ nên tập trung vào hành vi của nó. Đứa trẻ nên bị khiển trách vì đã có một hành vi nào đó không đúng, chứ không phải là bị chê về mặt bản chất. Hành vi có thể thay đổi, bản chất thì không, do đó, việc bạn khen hay chê đúng cách sẽ quyết định đứa trẻ ấy có thể tiến bộ hay không.
Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Mẹ không thích việc con đánh em trai mình. Đó không phải là một việc tốt”, thay vì: “Con đúng là một người anh tồi tệ”.
Chê theo cách này, bạn còn cho con thấy được rằng luôn có các lựa chọn tốt hơn để cân nhắc trong tương lai.
2. Xây dựng lòng tự trọng cho đứa trẻ
Adam Grant, giáo sư chuyên ngành tâm lý học tới từ Mỹ khuyến cáo rằng trước khi trẻ đến tuổi tới trường, chúng ta nên khuyến khích con trở thành những người biết giúp đỡ người khác. Hãy cho con tham gia vào các công việc hàng ngày và điều đó sẽ giúp con có lòng trắc ẩn cũng như cảm giác được rằng chúng có ý nghĩa đối với người khác.
Bạn có thể giúp con nâng cao lòng tự trọng bằng cách hỏi những câu như: “Con có sẵn lòng chia sẻ không? Con có muốn chăm sóc và quan tâm đến người khác không? Con có thể chơi với em trong khoảng 10 phút để giúp mẹ không?”.
Tôi đã ước mình làm điều này với con khi chúng còn nhỏ tuổi. Đến lúc tôi yêu cầu chúng làm việc nhà thì khi đó chúng đều đã khoảng 9 tuổi, quá muộn. Chúng tôi cũng đã có những sự tranh cãi vì các con không quen với việc giúp đỡ bố mẹ từ bé.
Các bạn hãy rút kinh nghiệm từ tôi: Hãy yêu cầu con thực hiện các nhiệm vụ đơn giản từ sớm.
3. Thảo luận về cảm xúc
Một gợi ý rất thú vị đến từ Tiến sĩ Markus Paulus, một giáo sư chuyên ngành phát triển tâm lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, Đức.
Tiến sĩ Markus khuyến cáo chúng ta nên có những cuộc trao đổi cởi mở với con và năng thực hiện những hoạt động để khám phá các cảm xúc của con. Ví dụ nếu con trai bạn đang la hét với em gái nó, hãy hỏi con cảm thấy ra sao trong quá trình đó cũng như cô em gái sẽ cảm thấy thế nào khi bị anh trai la mắng.
Mục đích của việc này là hướng con trẻ đi tới một thế giới cảm xúc phong phú và tích cực. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát các bậc phụ huynh đọc truyện tranh cho con họ và phát hiện ra rằng những đứa trẻ được yêu cầu nói về cảm xúc trong cuốn sách có xu hướng chia sẻ nhanh hơn và thường xuyên hơn
4. Tránh sỉ nhục hay làm đứa trẻ xấu hổ
Giáo sư Adam Grant cho rằng, việc sỉ nhục một đứa trẻ là công cụ kém hiệu quả và có thể gây ra những tác động tiêu cực.
Ví dụ, khi con bạn làm điều gì đó sai trái, việc bạn sỉ nhục con, dù là có hay không có mặt của người khác cũng khiến đứa trẻ cảm thấy rằng nó không phải là một người tốt.
Thay vào đó, nếu bạn biết cách làm cho con cảm thấy một chút tội lỗi thì đứa trẻ sẽ có xu hướng “sửa chữa” những việc làm sai và muốn “bù đắp”. Đây chính là động lực cho sự thay đổi tích cực của con trong tương lai.
“Khi trẻ cảm thấy tội lỗi, chúng sẽ có xu hướng hối hận về những gì đã làm, đồng cảm với người mà chúng vừa làm hại và cố gắng giải quyết, bù đắp cho những hành vi của chúng”, giáo sư Adam khẳng định.
Giáo sư Adam cũng lấy ví dụ từ một cuộc nghiên cứu trong đó những đứa trẻ được đưa cho 1 con búp bê bằng vải và trong quá trình chơi, chiếc chân trái của con búp bê bị tuột ra. Những đứa trẻ bị mắng mỏ, sỉ nhục đã né tránh các nhà nghiên cứu và không thừa nhận chúng làm hỏng con búp bê. Trong khi những đứa trẻ cảm thấy tội lỗi thì tình nguyện khâu lại cái chân bị rơi ra.
5. Tránh “hối lộ” con
“Nếu lần sau con không đánh em con, mẹ sẽ mua cho con một chiếc ô tô đồ chơi”, có thể bạn đã nói những câu tương tự như thế nhiều lần mà không nhận ra rằng cách nói này rất có vấn đề.
Đôi khi, các bậc phụ huynh cố gắng sửa chữa những việc làm sai trái của con bằng hành vi “hối lộ”, nhưng một số nhà nghiên cứu cho biết cha mẹ nên tránh thói quen này.
Hối lộ là hình thức chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Và những hành vi tốt không nên đi kèm với những phần thưởng như đồ ăn hay đồ chơi. Cha mẹ phải làm sao để con cái hiểu rằng, việc chúng cư xử tốt là điều tự nhiên, điều nên làm, chứ không phải để chúng có được quyền lợi này hay quyền lợi khác.
Tác giả bài viết – Lynne Azarchi là giám đốc điều hành Trung tâm Thanh thiếu niên Kidsbridge, một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ có nhiệm vụ ngăn chặn việc bắt nạt ở trẻ em.
Bà Lynne Azarchi cũng đồng thời là tác giả của cuốn sách “The Empathy Advantage: Coaching Kids to be Kind, Respectful and Successful.” (Tạm dịch là Lợi ích của sự cảm thông: Dạy con trở thành người tốt, biết tôn trọng người khác và thành công).
Theo CNBC