Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ em

kỹ năng cho trẻ

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ chính là một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp sau này của con bạn. Nhiều bậc phụ huynh tự hỏi liệu mình có thể làm gì để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ của bản thân. 

Việc biết được cách giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ là rất cần thiết cho bố mẹ trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc để giúp bé trong quá trình này. Học cách giao tiếp với người khác bằng từ và câu là một kỹ năng mà bé học được thông qua việc lắng nghe và quan sát khi còn bé.

Kỹ năng này có thể giúp trẻ có thể diễn đạt những suy nghĩ của bản thân tốt hơn, trở thành nền tảng vững chắc cho việc học chữ và giao tiếp.

A – Các giai đoạn trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ kéo dài qua nhiều giai đoạn khác nhau khi các con còn nhỏ. Dưới đây là các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ:

1. Giai đoạn từ 3 tới 12 tháng tuổi

Trong giai đoạn này, con bạn đã bắt đầu có những nhận biết cơ bản về cảm xúc như yêu, giận và tình thương. Cũng từ giai đoạn này, con bạn đã biết đáp lại bạn bằng những tiếng bập bẹ. Nếu bạn nhận thấy tiếng bập bẹ giống với bất kỳ từ nào, hãy động viên con nói từ đó.

Bập bẹ là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đây được xem là cách giao tiếp đầu tiên hình thành ở trẻ. Trong giai đoạn này, bé nhà bạn sẽ phản ứng khi được gọi tên và thậm chí đã có thể nói được những tiếng đơn giản như ‘ba’, ‘ma’, ‘da’… vì đây là những tiếng dễ dàng phát âm.

2. Giai đoạn từ 12 tới 18 tháng tuổi

Lúc này, con của bạn sẽ cố gắng bắt chước theo những gì bạn nói, một số trẻ đã có thể nói được vài từ đơn. Trẻ cũng sẽ bắt đầu thích nói chuyện và cố gắng giao tiếp thường xuyên hơn với bạn. Giai đoạn này, hãy khuyến khích con nói chuyện bằng cách đáp lại bé. Thêm vào đó, bố mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con hơn để giúp bé làm quen thêm được nhiều từ và câu mới.

3. Giai đoạn từ 18 tháng tới 2 tuổi

Từ 18 tháng tuổi, vốn từ của con bạn đã tăng lên rất nhiều. Giai đoạn này, trẻ có thể hiểu và nói khoảng 300 từ. Bé cũng đã bắt đầu có thể xâu chuỗi từ ngữ thành các câu ngắn. Mặc dù sự phát triển ngôn ngữ ở mỗi đứa trẻ là khác nhau, nhưng nếu con bạn không thể nói được những từ đơn giản ở giai đoạn này, bạn nên đưa con đến gặp chuyên gia để được hướng dẫn thêm.

4. Giai đoạn từ 2 tới 3 tuổi

Đến thời điểm này, con bạn đã tích lũy được vốn từ vựng tương đối nhiều và bé đã có thể nói được những câu dài hơn. Trẻ cũng hiểu được những điều bạn nói tốt hơn. Khả năng giao tiếp của trẻ lúc này đã tăng lên đáng kể và những người xung quanh sẽ có thể hiểu những gì trẻ đang nói. Con bạn cũng có thể làm nhiều hành động cùng một lúc như vừa chơi đùa vừa nói chuyện.

5. Giai đoạn từ 3 tới 5 tuổi

Từ 3 đến 5 tuổi, con bạn bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh. Bé sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi và nói những câu có ngữ pháp phức tạp hơn. Đây là thời gian tuyệt vời để bố mẹ khuyến khích con đọc sách, việc này sẽ góp phần làm phong phú vốn từ cũng như cải thiện ngữ pháp của trẻ.

6. Giai đoạn từ 5 tới 6 tuổi

Bây giờ, con bạn đã có thể hiểu được những gì giáo viên hỏi và trả lời một cách mạch lạc. Trẻ cũng có thể nhận biết nhiều từ hơn và sử dụng chúng một cách linh hoạt trong câu. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian để nói chuyện hoặc cùng trẻ đọc sách vì chúng rất tốt cho việc cải thiện vốn từ vựng và ngữ pháp của bé.

B – Những cách thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

Trong những giai đoạn này, bạn có thể cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi đơn giản khác nhau để phát triển khả năng ngôn ngữ. Dưới đây là một vài hoạt động giúp thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của trẻ khi nhỏ.

1. Đọc sách cho trẻ

Đọc truyện trước khi đi ngủ là một trong những cách tốt nhất giúp con bạn làm quen với những từ mới. Bạn có thể bắt đầu đọc truyện cho con nghe từ khi còn bé và dần dần tạo thói quen này cho trẻ.

2. Có những cuộc trò chuyện cùng trẻ

Mặc dù khi nhỏ, con không để đáp lại bạn một cách rõ ràng, mạch lạc, nhưng bạn vẫn nên trò chuyện với trẻ thường xuyên. Việc này sẽ dần tạo cho trẻ thói quen lắng nghe và cũng thôi thúc trẻ có phản xạ đáp lại.

3. Nghe nhạc

Việc nghe nhạc và hát theo những vần điệu có thể giúp trẻ biết thêm một số từ nhất định và hiểu nhịp điệu của chúng. Việc hát theo những bài hát có thể giúp trẻ nói chuyện một cách rõ ràng và mạch lạc hơn.

4. Sửa lỗi cho con

Khi con bạn chưa nói chuyện rành và vẫn còn mắc lỗi, bố mẹ có thể sửa lỗi cho con bằng cách chỉ ra phát âm, ngữ pháp chính xác và yêu cầu bé lặp lại.

5. Hạn chế sử dụng máy tính và vô tuyến truyền hình

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếp xúc với màn hình máy tính và ti vi quá nhiều sẽ hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Do đó, bạn nên cho bé xem máy tính hoặc ti vi một cách có chừng mực, chỉ cho con xem với mục đích cải thiện ngôn ngữ của trẻ.

6. Đưa trẻ đi chơi

Bạn nên đưa trẻ đi chơi ở ngoài thường xuyên hơn thay vì suốt ngày ở nhà. Việc vui chơi ở môi trường mới có thể khơi dậy sự hiếu kỳ của con bạn về những thứ mới mẻ xung quanh chúng. Bé thường sẽ thắc mắc rất nhiều khi vui chơi và đây là một dịp tuyệt vời để cải thiện vốn từ vựng của bé.

7. Nói về những chủ đề trẻ thích

Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, đặc biệt là về những chủ đề trẻ thích. Điều này có thể khuyến khích bé tham gia tích cực vào cuộc trò chuyện và nói nhiều hơn.

8. Giới thiệu cho trẻ những từ mới một cách từ từ

Bố mẹ không nên cố dạy trẻ quá nhiều từ mới cùng lúc. Hãy dần dần thêm từ mới vào các cuộc trò chuyện để bé có thể hiểu và nhớ được chúng một cách dễ dàng hơn.

C – Sự khác biệt giữa ngôn từ và lời nói là gì?

Những từ mà con bạn hiểu và sử dụng trong quá trình giao tiếp tạo thành một hệ thống ngôn từ, bao gồm khả năng viết cũng như nói. Mặt khác, nói là khả năng của con người tạo ra âm thanh để phát âm các từ.

D – Dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ

Nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình chậm phát triển khả năng ngôn ngữ. Nếu bạn quan sát thấy các dấu hiệu sau ở con, hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ để được kiểm tra:

  • Trẻ không bập bẹ hoặc thử nói
  • Trẻ không nói các tiếng đơn giản như ‘ma ma’, ‘ba ba’
  • Trẻ không chỉ vào đồ vật và cố nói tên của chúng
  • Trẻ không hay chỉ hoặc vẫy tay
  • Trẻ không đáp lại tiếng gọi của bạn
  • Trẻ không bắt chước lời nói và hành động của người lớn
  • Trẻ không thể xâu chuỗi các từ lại với nhau để tạo thành các cụm từ đơn giản
  • Trẻ thường nói lắp hoặc phát âm không rõ ràng
  • Trẻ giao tiếp khó khăn
  • Trẻ dùng lẫn lộn và sai các đại từ nhân xưng như ‘tôi’ và ‘bạn’

Việc học ngôn ngữ khi còn nhỏ rất quan trọng, giúp đảm bảo rằng trẻ em hiểu được những gì người xung quanh nói và đáp lại. Việc này chi phối rất nhiều trong giao tiếp, học tập và thậm chí trong các mối quan hệ tương lai của con bạn.

Một khi con bạn có thể sử dụng các từ đúng nghĩa và ngữ cảnh của chúng, bé sẽ có thể diễn tả được bản thân tốt hơn. Điều này sẽ giúp tăng cường sự tự tin của trẻ và giúp trẻ nêu lên quan điểm của mình nhiều hơn.

Nếu bạn nhận thấy rằng con mình không thể giao tiếp tốt hoặc không nói được những từ đơn giản, hãy đưa bé đến gặp các chuyên gia để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị kịp thời.

Phương Quỳnh

Trả lời

Main Menu